Cả nhà làm du lịch
Chia sẻ với người viết, cụ Thành, ông chủ điểm du lịch sinh thái Thiện Thành, nói ngay điều chúng tôi lo lắng: “Là một lão nông già như tôi mà khởi nghiệp làm du lịch thì khó khăn trăm bề. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và con cháu trong gia đình, thì khó khăn rồi cũng qua. Đến nay, điểm du lịch sinh thái của tôi có thể phục vụ từ 200 - 300 khách”.
tin liên quan
Cụ ông 81 tuổi ở đảo Bé bỏ tiền túi làm 'cây cầu du lịch'Đó là cụ Bùi Hoàng ở xã An Bình (còn gọi là đảo Bé) thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Nói xong, cụ Thành cười khà rồi kể năm 1950 vợ chồng cụ đặt chân lên cồn Tân Thuận Đông lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm, vợ chồng cụ đi làm thuê dành dụm mua được 4.000 m2 đất. Rồi tiếp tục trồng trọt, tích lũy dần và mua thêm được 26.000 m2 đất. Từ đó, vợ chồng cụ mới có điều kiện nuôi con cái khôn lớn, cuộc sống bớt chật vật hơn.
Đến nay, khu vườn 30.000 m2 của cụ Thành chủ yếu trồng xoài, nhãn, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Khi được lãnh đạo địa phương kêu gọi làm du lịch, tôi có chút đắn đo, vì lâu nay mình chỉ biết làm ruộng, làm vườn. Tuy nhiên, qua những chuyến tham quan các điểm du lịch sinh thái, tôi và thằng con út quyết định bắt tay làm du lịch ngay tại mảnh vườn của gia đình. Sau đó, chúng tôi gom con cháu trong nhà cùng làm”, cụ Thành chia sẻ.
Dù hằng ngày không trực tiếp vào bếp làm các món ăn quê đãi khách nhưng tâm huyết của cụ Thành như tiếp thêm lửa cho con cháu để điểm du lịch của gia đình ngày một phát triển hơn. Mỗi khi có khách đến, cụ Thành thường ra tận ngõ niềm nở đón.
Điều cụ quan tâm nhất là những lời góp ý của du khách, vì thế mỗi khi khách thưởng thức các món ăn xong hay trước khi ra về, cụ tranh thủ tiếp chuyện để nghe khách góp ý về món ăn, thái độ phục vụ của nhân viên… Sau đó, cụ Thành cùng con cháu trong nhà họp lại rút kinh nghiệm để lần sau phục vụ tốt hơn.
|
Vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi
Từ ngày khai trương (31.12.2016) đến nay, mỗi ngày điểm du lịch của gia đình cụ Thành đón hàng trăm khách, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động của gia đình và địa phương. Gần đây, do có nhiều khách nước ngoài đến tham quan, cụ Thành đã cử một đứa cháu ra TP.Cao Lãnh học tiếng Anh để về giao tiếp với khách. Cụ Thành cũng kiến nghị với chính quyền địa phương thành lập đội bơi xuồng phục vụ du khách. Theo cụ Thành, người được tuyển vào đội ngoài sức khỏe, biết bơi xuồng... thì điều kiện tiên quyết mà cụ đưa ra là những nông dân thuộc diện nghèo khó tại địa phương.
Anh Lê Thanh Tâm (con út cụ Thành) cho biết sắp tới, để thu hút khách du lịch, cụ Thành đang cho làm thêm các tiểu cảnh trong vườn, đồng thời xử lý xoài, nhãn rải vụ để lúc nào trong vườn cũng có trái cho du khách chụp hình, thưởng thức. Ngoài ra, cụ Thành còn tổ chức mỗi tuần một món bánh dân gian phục vụ khách, như: bánh xèo, bánh chuối, bánh lá mít…
Chị Hồng (một du khách đến từ TP.HCM) nhận xét: “Khi tôi đưa gia đình đến tham quan điểm du lịch của bác Thành, ai cũng hài lòng, nhất là khi được thưởng thức các món ăn rặt đồng quê như gỏi cá lòng tong trộn xoài, cá lóc đồng kho bầu, hến xào hành... Ngoài ra, không gian ở đây vô cùng mát mẻ, yên tĩnh, nhưng tôi thích nhất là “món” bơi xuồng...”.
Hiện tại, điểm du lịch của cụ Thành là 1 trong 2 điểm du lịch sinh thái được TP.Cao Lãnh triển khai thí điểm ở xã Tân Thuận Đông. Mô hình không chỉ được khách du lịch trong nước đánh giá cao mà du khách nước ngoài cũng rất thích.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho bạn trẻ
Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh, cho biết: “Gần nửa đời người gắn bó với mảnh đất Tân Thuận Đông, chỉ lo làm ruộng, vườn, nay tuổi gần 90, bác Thành tận dụng khu vườn làm du lịch sinh thái khiến chúng tôi khâm phục. Điều này cho thấy bà con nông dân nếu có bước chuyển biến trong suy nghĩ, biết tận dụng khu vườn, ao cá làm du lịch sẽ tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, việc làm của bác Thành phần nào khơi dậy, hun đúc thêm tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ tại địa phương”.
|
Bình luận (0)