Ủa, báo nói thế à?

15/09/2012 09:45 GMT+7

(TNTS) Thông thường, người ta hiểu rằng cấp trên có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới. Cấp dưới lỡ có sai phạm, cấp trên kịp thời uốn nắn ngay, thậm chí kịp thời kỷ luật ngay những kẻ sai phạm để giữ gìn đội ngũ trong sạch, để giữ được uy tín của ngành mình, đơn vị mình dưới mắt nhân dân.

Phạm Trọng Yêm đời Tống làm quan tới chức tể tướng, sống một đời tiết kiệm, dạy dỗ các quan lại cấp dưới rất nghiêm túc. Ông nói một câu rất gọn về cái đạo của người làm quan: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu; hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mọi người). Một ông quan phong kiến không hề học qua một trường lớp chính trị nào mà nói và làm được như vậy. Lẽ nào những người “làm quan” cách mạng ngày nay học hành bài bản tử tế lại không làm được như vậy?

Tôi trộm lo lắng cho tình hình làm quan trong xã hội chúng ta. Tôi không hiểu cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát cấp dưới thế nào mà họ không hay, không biết những việc làm sai phạm của cấp dưới. Cho đến khi một sự việc sai trái xảy ra, bị báo chí và đài phát thanh, đài truyền hình đưa tin thì những vị lãnh đạo bề trên mới ngớ ra. Câu nói mà họ hay dùng nhất là “Ủa, báo nói thế à?”.

 Ủa, báo nói thế à?

Câu hỏi ấy chứng minh hai điều. Một - đơn vị lãnh đạo cấp trên là những con người cực kỳ ngây thơ, trong trắng; cứ yên tâm cấp dưới của mình không làm điều chi sai phạm. Hai - đơn vị lãnh đạo cấp trên còn tỏ ý nghi ngờ sự thật trong các thông tin của báo đài, tưởng là nó “chơi” ngành mình, đơn vị mình. Nhiều vị ngây thơ hơn, đọc báo nghe đài xong, cứ gửi thư kiện tụng yêu cầu phải cải chính xin lỗi hoặc phân bua, giải thích lung tung. Cho nên, trong chín tháng qua, tình hình “Ủa, báo nói thế à?” tập trung vào những việc nổi cộm.

Lâm tặc phá rừng dữ dội suốt một dải cao nguyên ra tới các tỉnh biên giới phía bắc mà ngành lâm nghiệp không hay, địa phương có nạn phá rừng cũng không biết. Nhiều quan chức kiểm lâm thỏa hiệp với lâm tặc. Ban đêm, họ làm luật tha cho xe gỗ lậu lọt qua nhiều trạm kiểm tra kiểm soát. Báo đài lên tiếng, ngành ta mới hiểu ra... đất nước còn lâm tặc và cán bộ kiểm lâm là người bạn thân ái của nhiều lâm tặc đại gia.

Cảnh sát giao thông còn làm luật trên một số tuyến đường. Thậm chí có cán bộ của ngành còn nhận hối lộ để “giải cứu” xe đua trong thành phố. Căn bản, ngành ta chưa biết điều đó cho đến khi báo nói huỵch toẹt ra.

Xe bồn chở xăng ăn cắp xăng. Nó lấy xăng từ kho ra, chạy ngang qua quận 7, bèn lủi vào bãi ăn cắp. Ngành ta chẳng biết được đâu là bãi ăn cắp, đâu là con số bị ăn cắp. Báo chí điều tra ra vụ ấy, hình ảnh chứng cứ rõ ràng. Ngành ta bèn phạt mấy ông ăn cắp.

Cứ vậy mà cuộc sống có thêm nhiều vụ hãi hùng bị nhà báo, nhà đài phanh phui chứ không phải do lãnh đạo và công tác giám sát ngành dọc phát hiện. Giá ăn sử dụng chất doping của Tàu, cọng nào cọng nấy to như mút đũa khiến thiên hạ chê... giá mập. Thịt thúi được tân trang đưa vào nhà hàng thành món đặc sản. Cán bộ đánh bạc (hoặc đánh cờ) giải trí. Xã nghèo nhất của một tỉnh nghèo bậc nhì cả nước bắt dân đóng tới 19 khoản phí hằng năm... Đó đều là những nội dung, những vấn đề mà báo chí phát hiện.

Kể ra, làm quan thời nay thật sướng. Ban bệ đâu đó xong xuôi, quan chức an tâm đi làm, đi họp, đi công tác, đọc diễn văn, triển khai việc làm mới và... lãnh lương. Đa phần chê lương ít, còn tranh thủ lãnh thêm tí bổng; hoặc ngắt véo, xà xẻo công trình này một ít, công trình kia một tí. Họ không để ý nghe dư luận của dân, chẳng thèm chú ý xem cấp dưới làm giống gì. Đến khi báo viết, đài phát, có kẻ tả hữu thưa lên mới giả vờ “Ủa, báo nói thế à?”.

Hãy để ý mà xem, các cơ quan thường chỉ xử lý cái sai, cái xấu trong ngành mình sau khi báo chí đã lên tiếng. Nghĩa là nội vụ tầy huầy ra rồi thì mới thanh tra, quy trách nhiệm, đề xuất hình thái xử lý hay kỷ luật. Giả thiết rằng nếu vụ việc ấy không được báo chí đề cập tới thì nó chìm xuồng. Lãnh đạo cấp trên sẵn sàng coi như nó chưa xảy ra trong đời. Ít có cơ quan nào xử lý một vụ sai trái trước rồi họp báo thông tin cho báo chí hay. Quản lý nhà nước cái kiểu ấy thật sướng nhưng cũng thật không hiểu nổi.

Tôi đi làm báo nhiều năm nên tin tưởng vào phẩm chất anh nhà báo. Một thông tin được đưa trên báo viết hay trên phát thanh truyền hình là đã được cơ quan báo chí tính rất kỹ. Nó có đụng chạm vào nơi này nơi nọ, tổn thương quyền lợi bất chính của một cá nhân hay tập thể. Người ta ghét nó, thậm chí cấm cửa nó bởi vì nó nói trung thực, nó không sợ hãi quyền lực khi đã có sự thật trong tay.

Cái mũi của nhà báo rất bén nhạy. Nó trong sạch, tiền bạc khó mua chuộc được nó. Tất nhiên cũng có một số “nhà báo” chuyên bợ đít, đánh bóng lư đồng nhưng xin lỗi, văn chương báo chí ấy chẳng ai đọc tới. Báo chí đúng nghĩa lại rất khôn ngoan, biết dựa vào tai mắt là nhân dân nên những nội dung nó thu thập được đều là chuyện mới, chuyện lạ. Nó biết được một trăm, chỉ nói lên báo đài khoảng năm, sáu chục; phần còn lại giữ làm... lương khô. Nó thấy thông tin có lợi có ích cho cuộc sống mới đưa. Nó làm việc bằng cái đầu trong sáng, trái tim trong sáng. Đôi khi nó lú mà chú nó khôn. Chú nó là ai? Chính là Ban biên tập tờ báo, là ban giám đốc các đài. Họ ngồi một chỗ mà nghĩ ra được chuyện ngàn dặm. Họ biết đưa thông tin tới đâu thì dừng. Chính vì vậy mà nhân dân tin tưởng nhà báo.

Đã có vụ Tiên Lãng, báo đài đưa rõ ràng ra đó nhưng các quan chức địa phương vẫn tránh né, vẫn cho là mình hành xử đúng. Thậm chí họ còn đánh nhà báo tiêu khiển cho vui hoặc để dằn mặt. Cho đến khi Thủ tướng kết luận vụ việc đã sai rồi, thì Hải Phòng mới rón rén xử lý. Và đến lúc đó, những ông quan huyện quan xã mới hết nói chuyện bí bét chạy tội. Đúng là đưa một nguồn thông tin thì dễ nhưng chuyện mong cho đối tượng được thông tin hiểu ra vấn đề thì quả thật khó.

Tôi không ngây thơ con cóc cộ để kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền đi làm báo. Thế nhưng, nếu các vị đắc thủ được một ít kỹ năng phát hiện vấn đề sai phạm nơi hoạt động của các đơn vị dưới mình như một anh nhà báo thì quá tốt. Chỉ cần ngửi không khí thì đã biết ở đâu có sai phạm, các vị à. Đó là sự phước đức cho ngành, cho đơn vị và cao hơn nữa cho đất nước, cho nhân dân.

Vũ Đức Sao Biển

>> Gia Bảo nối nghiệp làm bầu
>> Giám đốc Cục tình báo nội địa Đức từ chức vì bê bối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.