UBTV QH thảo luận về dự luật Viên chức: Không còn viên chức “ăn không ngồi rồi”?

14/04/2010 01:08 GMT+7

Việc bảo lưu quyền lợi tuyệt đối cho viên chức đã vào biên chế nhà nước trước thời điểm 1.7.2003 vẫn chưa đạt được thống nhất cao, khi Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) thảo luận về dự luật Viên chức hôm qua.

Tăng thách thức cho viên chức

Theo dự luật Viên chức, viên chức được tuyển dụng từ ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1.1.2012) sẽ được ký hợp đồng làm việc (thay vì hợp đồng lao động) với 3 hình thức: hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng xác định thời hạn, tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 3 năm; và hợp đồng làm việc đặc biệt (thời hạn được xác định từ thời điểm ký hợp đồng đến thời điểm viên chức đủ 18 tuổi). Với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003, dự luật nêu rõ không phải ký hợp đồng làm việc và viên chức được hưởng các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (nguyên tắc này từng được khẳng định trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Thực tế có những anh đã vào cơ sở công lập nhưng không chịu phấn đấu, suốt ngày ngồi lê đôi mách, phá bĩnh công việc của người khác, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận 

Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật của QH trong báo cáo thẩm tra, để thống nhất trong việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, nên áp dụng việc chuyển bộ phận viên chức thuộc biên chế được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003 sang chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Trong nội dung của hợp đồng làm việc ký với các đối tượng này, cần khẳng định tiếp tục thực hiện các chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các bảo đảm có lợi khác mà các viên chức này đang được hưởng. Đây cũng là dịp rà soát lại, nâng cao ý thức trách nhiệm của những người đã được tuyển dụng.

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn ủng hộ quan điểm bảo lưu tuyệt đối quyền lợi cho đội ngũ viên chức đã được tuyển dụng trước thời điểm 1.7.2003. Theo ông Sơn, quy định mới dù có tiến bộ đến đâu cũng phải bảo lưu được những lợi ích cũ cho các đối tượng đã chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp lý trước đó. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cũng kiên quyết: Nếu như vậy thì những người được tuyển dụng trước 1.7.2003 sẽ cứ yên tâm ngồi yên trong bộ máy dù không đáp ứng được trình độ chuyên môn, thậm chí yếu kém về phẩm chất đạo đức, kỷ luật lao động. “Thực tế có những anh đã vào cơ sở công lập nhưng không chịu phấn đấu, suốt ngày ngồi lê đôi mách, phá bĩnh công việc của người khác, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát để những người mà năng lực chuyên môn không đảm bảo, phẩm chất đạo đức không ổn sẽ cho thêm một hai năm để phấn đấu, khắc phục nhưng không thể cứ duy trì mãi nếu bản thân viên chức đó không cố gắng", ông Thuận đề nghị.

Lo công chức bỏ việc

Dự luật Viên chức gồm 8 chương, 70 điều, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2012. Đối tượng điều chỉnh của dự luật này sẽ là hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công trong cả nước.

Trong thực tế, tuy đội ngũ cán bộ công chức và đội ngũ viên chức nhà nước đều là nguồn nhân lực công, nhưng điểm khác nhau cơ bản là đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động luôn gắn với thực thi công vụ, gắn với quyền lực nhà nước, còn đội ngũ viên chức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Sự chưa tách bạch rõ khái niệm và nhiệm vụ trong cơ quan công quyền nhà nước và đơn vị sự nghiệp công cũng là vấn đề thu hút sự tranh luận của nhiều ủy viên UBTV QH.

Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng cho rằng nếu quy định như dự luật thì vẫn chưa có sự tách bạch rõ ràng về nhiệm vụ giữa đơn vị sự nghiệp công với cơ quan công quyền. Trong khi đó, về mặt thu nhập, viên chức nhà nước làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập lại có cơ hội thu nhập cao hơn hẳn cán bộ công chức nhà nước, dù cùng hoạt động trong một lĩnh vực, chuyên môn tương tự. Ông Vượng cảnh báo nếu không làm rõ được vấn đề này, cộng với quy định viên chức được hưởng lương từ nguồn thu tài chính của đơn vị sự nghiệp công như trong dự luật, rất có thể khi Luật Viên chức được ban hành, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức nhà nước sẽ rời bộ máy công quyền tìm việc ở các đơn vị sự nghiệp công có thu để cải thiện thu nhập, mức sống.

Các ủy viên UBTV QH cũng lo ngại một vấn đề nữa là dự luật giao quá nhiều thẩm quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, việc giao quá nhiều quyền cho một cá nhân (người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) như quy định của dự luật có thể dẫn tới sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi. Do vậy, bên cạnh việc tăng quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu việc thực hiện, nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, đồng thời thể hiện sự công khai, minh bạch của quá trình ra quyết định.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.