"Chính phủ Úc bác bỏ cái Trung Quốc tuyên bố là quyền lịch sử ở Biển Đông”, theo công hàm của phái đoàn thường trực Úc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) trình lên Tổng thư ký LHQ ngày 23.7.
Công hàm của Úc nhấn mạnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) hồi tháng 7.2016 đã xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và cái Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, chính phủ Úc không chấp nhận công hàm từ phía Bắc Kinh hôm 17.4 ngang ngược cho rằng cộng đồng quốc tế công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.
Úc có động thái trên sau khi chính phủ Mỹ đưa ra lập trường về Biển Đông. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14.7 đã đưa ra quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Pompeo đồng thời tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ các nước tin rằng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông, thông qua những diễn đàn đa phương và hợp pháp.
Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 15.7 tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, theo Reuters. "Úc giữ vững lập trường nhất quán là ủng hộ rất mạnh mẽ cho tự do hàng hải ở Biển Đông”, Thủ tướng Morrison nói trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra.
Ông Morrison cho biết thêm Úc đóng "vai trò mang tính xây dựng" ở Biển Đông và sẽ tiếp tục có hành động, tuyên bố cùng sáng kiến riêng của mình. Thủ tướng Morrison đưa ra tuyên bố này sau khi phóng viên đặt câu hỏi liệu rằng Úc có ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông hay không.
Trong diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Úc ngày 23.7 xác nhận 5 tàu chiến của nước này: HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius đã di chuyển qua Biển Đông từ ngày 14-18.7, bao gồm khu vực gần quần đảo Trường Sa, để tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ tổ chức.
Truyền thông Úc đưa tin các tàu chiến Úc đối đầu chiến hạm Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Úc khẳng định tàu chiến hai bên chỉ có hoạt động thông tin liên lạc thông thường, tuân thủ luật quốc tế trong vùng biển quốc tế và “không có đối đầu”.
Bình luận (0)