Úc ký thỏa thuận chuyển giao bí quyết, vật liệu hạt nhân với Anh - Mỹ

Trí Đỗ
Trí Đỗ
12/08/2024 17:00 GMT+7

Úc ngày 12.8 ký một thỏa thuận cho phép trao đổi bí quyết và vật liệu hạt nhân với Mỹ và Anh trong khuôn khổ hợp tác 3 bên AUKUS vào năm 2021.

"Thỏa thuận AUKUS mới là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu mua sắm tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí thông thường cho Hải quân Hoàng gia Úc", Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết.

Úc ký thỏa thuận chuyển giao bí quyết, vật liệu hạt nhân với Anh - Mỹ- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu cùng cựu Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS vào ngày 13.3.2023 tại Mỹ

ẢNH: AFP

Theo AFP dẫn lời ông Marles, hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc có thể thiết lập tiêu chuẩn cao nhất về không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh nước này không theo đuổi việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tàu ngầm cũng là một phần thiết yếu trong năng lực hải quân, mang lại lợi thế chiến lược về mặt giám sát và bảo vệ các tuyến đường biển ở quốc gia Thái Bình Dương này.

Thỏa thuận mới nhất chính thức được đệ trình lên Quốc hội Úc vào ngày 12.8, thay thế cho hiệp ước trước đó - chỉ cho phép trao đổi thông tin về động cơ hạt nhân của hải quân các bên, theo South China Morning Post.

Theo thỏa thuận, Úc sẽ nhận một số tàu ngầm từ Mỹ và chế tạo tàu ngầm bằng công nghệ chung. Vật liệu hạt nhân dùng cho hệ thống đẩy của tàu ngầm Úc trong tương lai sẽ được chuyển từ Mỹ hoặc Anh dưới dạng các đơn vị "năng lượng hàn hoàn chỉnh".

Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận mới yêu cầu Úc bồi thường cho Mỹ và Anh trước mọi trách nhiệm pháp lý và phát sinh liên quan tới rủi ro từ vật liệu hạt nhân được gửi đến quốc gia Thái Bình Dương này. Theo đó, Úc sẽ chịu trách nhiệm lưu trữ, xử lý nhiên liệuchất thải phóng xạ từ tổ máy điện hạt nhân được chuyển giao theo thỏa thuận.

Theo The Guardian, thỏa thuận sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31.12.2075, nhưng bất kỳ bên tham gia nào cũng có thể hủy bỏ nó "bằng cách gửi văn bản trước ít nhất một năm" cho các quốc gia khác. Nếu quốc gia nào vi phạm hoặc chấm dứt thỏa thuận, thì các quốc gia còn lại có quyền yêu cầu hoàn lại hoặc tiêu hủy thông tin, tài liệu và thiết bị đã trao đổi.

Thỏa thuận cũng nêu rõ Úc phải đạt được thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước khi Anh hoặc Mỹ bắt đầu chuyển vật liệu hạt nhân cho quốc gia này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.