Hãng Reuters ngày 6.5 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho hay một tiêm kích của Trung Quốc gây nguy hiểm cho một trực thăng quân sự Úc trong lần chạm trán "thiếu an toàn" và "không thể chấp nhận được" trên Hoàng Hải.
Theo đó, chiếc tiêm kích J-10 của Không quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thả pháo sáng phía trên, cách vài trăm mét phía trước trực thăng MH60R của Úc đang thực hiện chuyến bay theo lịch trình trên vùng biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Chiếc trực thăng cất cánh từ tàu khu trục HMAS Hobart, vốn đang tham gia hoạt động thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với CHDCND Triều Tiên, đã tránh được pháo sáng và không bị tác động "đáng kể".
"Đây là một sự cố rất nghiêm trọng, không an toàn và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã chính thức thể hiện mối quan ngại của mình về sự cố này và chính thức bày tỏ rằng điều này vừa không an toàn vừa không chuyên nghiệp", theo ông Marles.
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Úc cho rằng cuộc chạm trán khiến trực thăng và những người trên đó gặp nguy hiểm, mặc dù không có ai bị thương.
Đây là vụ việc thứ 2 như vậy trong vòng 6 tháng, gây ảnh hưởng mối quan hệ lẽ ra được hàn gắn giữa 2 nước sau nhiều năm căng thẳng và tranh chấp thương mại.
Hồi tháng 11.2023, phía Úc cho biết một tàu hải quân Trung Quốc đã làm bị thương một số thợ lặn của họ ở vùng biển Nhật Bản khi sử dụng sóng sonar dưới nước. Trung Quốc phủ nhận việc sử dụng sóng sonar, nhưng Úc bác bỏ lời giải thích này.
Bộ trưởng Marles cho biết tàu HMAS Hobart vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực, bất chấp cuộc chạm trán hôm 4.5. Úc đã tham gia các sứ mệnh thực thi lệnh cấm vận đối với Triều Tiên trong khu vực kể từ năm 2018.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không lập tức phản hồi đề nghị đưa ra bình luận.
Chi tiêu quân sự khắp thế giới cao kỷ lục do ‘suy thoái hòa bình, an ninh’
Bình luận (0)