(TNO) Iran từng yêu cầu Úc dẫn độ tay súng trong vụ khủng hoảng con tin ở Sydney về Iran cách đây 14 năm, tuy nhiên Úc từ chối với lý do không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai nước, theo ABC News ngày 17.12.
. Man Haron Monis, tay súng đã gây ra vụ khống chế con tin làm chấn động nước Úc hôm 15.12 - Ảnh: Reuters
|
Man Haron Monis khống chế 17 con tin tại quán cà phê Lindt ở trung tâm thành phố Sydney, bang New South Wales, Úc, vào sáng 15.12. Sau 16 tiếng thương lượng, chiến dịch giải cứu kết thúc khi cảnh sát xông vào nơi các con tin bị bắt giữ. 2 con tin cùng với tay súng đã thiệt mạng.
Đài ABC News (Úc) ngày 16.12 đưa tin tướng Ismail Ahmadi Moghaddam, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Iran, cho biết Man Haron Monis bị truy nã ở Iran với cáo buộc lừa đảo khi ông này điều hành một công ty du lịch ở Iran.
Cuối những năm 90, ông này chạy đến Úc sau khi trốn từ Iran đến Malaysia. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran cho biết nước này đã nhiều lần thảo luận với các quan chức Úc về tình trạng thần kinh của Monis.
Monis được bảo vệ tại Úc với tư cách người tị nạn chính trị từ năm 2001. Vào thời điểm thảm kịch ở Sydney xảy ra, người đàn ông này đang được hưởng tại ngoại sau hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm cả hành vi đồng lõa trong vụ sát hại người vợ cũ của mình.
Tướng Ismail Ahmadi Moghaddam tiết lộ rằng vào thời điểm trốn khỏi Iran, Monis tên là Mohammad Hassan Manteqi. Khi đến Úc, người này đã tạo cho mình thân phận một lãnh tụ tôn giáo để dễ dàng xin tị nạn chính trị.
Trong khi đó, lúc còn ở Iran, Monis là quản lý một hãng du lịch, tờ The Sydney Morning Herald (Úc) cho biết. Quan chức Iran nói rằng cảnh sát nước này đã tốn đến 4 năm để tìm kiếm bằng chứng chống lại Monis trước khi yêu cầu phía Úc dẫn độ ông này. Tuy vậy, yêu cầu trên bị Canberra bác bỏ với lý do không có hiệp ước dẫn độ nào giữa Úc và Iran.
Người dân tại Sydney tưởng niệm các nạn nhân - Ảnh: Reuters
|
Trở lại với vụ khủng hoảng con tin tại Sydney, Thủ tướng Úc Tony Abbott thừa nhận rằng hệ thống để kiểm soát và ngăn chặn những cuộc tấn công như thế này đã hoạt động không hiệu quả. “Cơ chế chúng ta đang có đã không phát huy tác dụng trong trường hợp này”, ABC News dẫn lời ông Abbott.
Thủ tướng Úc cũng tiết lộ rằng bản thân ông cùng với Ủy ban an ninh quốc gia của Nội các Úc đều có cùng câu hỏi: Liệu thảm kịch vừa qua có thể ngăn chặn hay không? Theo ông Abbott, Monis không nằm trong danh sách theo dõi về an ninh, mặc cho việc ông này đang nhận một loạt những cáo buộc nghiêm trọng và được biết đến là một người “đắm chìm trong chủ nghĩa cực đoan”.
“Người như vậy tại sao có thể đi lại tự do giữa cộng đồng?”, Thủ tướng Úc đặt câu hỏi. Dù vậy ông Abbott cũng không chắc thảm kịch tại Sydney có thể được ngăn chặn trong trường hợp Monis được theo dõi chặt chẽ.
Man Haron Monis vốn được biết đến là một phần tử “lạc loài” đối với cộng đồng người Hồi giáo tại Úc. Người đàn ông này được biết đến rộng rãi từ những bức thư đầy lời lẽ xuất phạm gửi đến người thân của những người Úc thiệt mạng vì chủ nghĩa cực đoan ở Indonesia và các binh sĩ thiệt mạng ở Afghanistan trong giai đoạn 2007 đến 2009, theo The Guardian.
Manny Conditsis, một luật sư từng đại diện cho Monis trước đây, đã miêu tả khách hàng của mình là “một người cô độc không có gì để mất”. “Lý tưởng quá mạnh mẽ đã khiến anh ta mờ mắt”, The Guardian dẫn lời luật sư này.
Bình luận (0)