Văn phòng Ủy viên Thông tin Úc (OAIC) cho biết hôm 5.4, cuộc điều tra sẽ xem xét liệu Facebook có vi phạm các điều luật bảo mật thông tin riêng tư của Úc hay không.
“Với bản chất toàn cầu của vấn đề này, OAIC sẽ trao đổi với các cơ quan quản lý quốc tế”, Angelene Falk, đại diện của OAIC, nói.
Facebook mới đây ước tính dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng “có thể đã bị chia sẻ bất hợp pháp với Cambridge Analytica”, cao hơn nhiều so với con số 50 triệu người được thông báo từ các báo cáo ban đầu. Công ty cũng cho biết có hơn 300.000 người dùng ở Úc bị ảnh hưởng trong vụ rò rỉ dữ liệu này.
Phần lớn người dùng Facebook bị khai thác thông tin bất hợp pháp là ở Mỹ, khoảng 70 triệu người. Ngoài ra, hàng triệu người dùng có khả năng bị ảnh hưởng ở các nước khác bao gồm Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil và Việt Nam.
Bộ trưởng Truyền thông Indonesia, ông Rudiantara, nói với CNN rằng ông đã yêu cầu cảnh sát quốc gia đưa ra một cuộc điều tra về việc liệu Facebook có vi phạm luật bảo mật dữ liệu địa phương hay không. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cuộc điều tra này sẽ diễn ra khi nào vì chính phủ Indonesia vẫn đang đợi Facebook chia sẻ kết quả kiểm toán.
Cảnh sát Indonesia đã không trả lời yêu cầu bình luận từ phía CNN hôm 5.4. Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ tuyên bố “bất kỳ hành vi trộm cắp dữ liệu nào của người Ấn Độ đều sẽ không được dung thứ”.
Được biết giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tuần tới. Facebook cũng có kế hoạch thông báo đến những người dùng đã bị khai thác dữ liệu trái phép vào ngày 9.4.
Bình luận (0)