(TNO) Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hạ thấp nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cảnh báo Bắc Kinh không được đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
>> Đô đốc Trung Quốc mang ADIZ ra dọa nạt
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
|
Phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở thành phố Sydney (Úc), Ngoại trưởng Bishop bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ tránh xung đột ở Biển Đông, theo tờ The Australian (Úc) ngày 11.6.
“Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc hiểu rất rõ về những hậu quả thảm khốc nếu xảy ra xung đột giữa hai cường quốc này”, bà Bishop nói.
Ngoại trưởng Bishop cho hay Úc lo ngại bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực có thể làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến xung đột. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan đến Biển Đông leo thang trong những năm gần đây, nhất là gần đây Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2013. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Úc lên tiếng phản đối ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Lúc bấy giờ, bà Bishop đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại cứng rắn.
Và nay, Trung Quốc có thể sẽ lập ADIZ trên Biển Đông sau khi hoàn tất xây dựng các đảo nhân tạo.
Tại Viện Lowy, bà Bishop cho biết thêm Úc sẽ phản đối nếu có bất kỳ quốc gia nào đơn phương tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Bà Bishop cũng khẳng định Úc có quyền bày tỏ lo ngại về ADIZ và sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông, bất chấp việc phản đối này có thể ảnh hưởng đến kinh tế Úc vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nước này.
Bên cạnh đó, 60% hàng hóa nhập khẩu của Úc được vận chuyển thông qua Biển Đông.
Ngoại trưởng Bishop đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông đồng loạt lên tiếng phản đối Bắc Kinh.
Trước đó, hôm 8.6, Quốc vụ khanh Ngoại giao và Thương mại Úc Peter Varghese, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã tiến hành cuộc đối thoại cấp cao 3 bên lần đầu tiên ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà họ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ký kết với các nước ASEAN.
Hồi tuần rồi, tờ The Australian cũng cho biết chính phủ Úc đang cân nhắc triển khai máy bay trinh sát P-3 tuần tra trong phạm vi 12 hải lý (22 km) tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong bài xã luận trên tờ China Daily (Trung Quốc) trong tuần này, tác giả Wang Hui còn cảnh báo Úc nên tránh xa Biển Đông.
“Là một quốc gia cách Biển Đông hàng ngàn dặm, Úc chẳng có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và nên đủ thông minh để tránh xa Biển Đông”, ông Hui viết.
“Nhưng bởi vì mối quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, Úc cảm thấy bị buộc phải theo chân Chú Sam, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, theo bài xã luận trên China Daily.
Bình luận (0)