Ukraine 'chấp nhận số phận', Nga có chiến thắng?

01/12/2024 05:45 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa gửi thông điệp sẵn sàng từ bỏ điều kiện mà Kyiv từng xem là "không thương thuyết" để tiến đến đàm phán với Nga.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Sky News ngày 29.11, Tổng thống Zelensky cho biết nếu có thể gia nhập NATO, để những vùng đất mà nước này còn kiểm soát được liên minh bảo vệ, thì Kyiv có thể đạt đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa hiệp với thực tế

Ý kiến trên đồng nghĩa với việc Kyiv chưa đặt điều kiện tiên quyết về việc Moscow trả lại lãnh thổ đang kiểm soát của Ukraine, để đổi lấy việc gia nhập NATO và kết thúc cuộc chiến.Suốt thời gian qua, Kyiv đã nhiều lần khẳng định sẽ không thương thuyết đàm phán nếu Moscow không trả lại các vùng đất chiếm đóng của Ukraine.

Diễn biến này không hề bất ngờ. Như Thanh Niên đã phân tích khi cả Nga lẫn Ukraine tăng cường tấn công lẫn nhau từ giữa tháng 11 được ví như nỗ lực của hai đội bóng vào những phút cuối của trận đấu. "Tiếng còi của trận đấu sẽ sớm vang lên sau ngày 20.1.2025 (khi ông Trump nhậm chức)", theo phân tích từ chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới.

Ukraine 'chấp nhận số phận', Nga có chiến thắng?- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine trong cuộc tập trận ngày 22.11

ẢNH: REUTERS

Washington sẽ sử dụng "lá bài" viện trợ nhằm gây áp lực buộc Kyiv ngồi vào bàn đàm phán ngay cả khi không nhận được điều kiện Moscow trả lại các khu vực đã chiếm đóng. Ngược lại, Moscow cũng bị gây áp lực phải ngồi vào bàn đàm phán trước sức ép quân sự khi Washington tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Kyiv.

Nếu không có viện trợ của Mỹ, Ukraine thực tế khó tiếp tục duy trì năng lực tác chiến. Vì thế, nếu "chấp nhận số phận", Kyiv có thể đổi lại những khoản viện trợ tái thiết trong tương lai, đồng thời có cơ hội gia nhập NATO.

Tính toán mới của ông Zelensky để NATO bảo vệ Ukraine

Thế cuộc dần rõ nét

Trong khi đó, cuộc chiến đang khiến Nga đối mặt không ít khó khăn. Trước hết là các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây tác hại nặng nề cho kinh tế Nga. Không những vậy, tình hình giá dầu giảm gần đây dẫn đến nguồn thu của Moscow bị tổn hại nghiêm trọng.

Để đối phó lạm phát tăng cao, hồi tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất điều hành thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 21%. Đây là mức lãi suất cao lịch sử của nước này để đối phó lạm phát. Chưa dừng lại ở đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina còn "dọa" sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ vừa nêu gây ra sự chỉ trích ngày càng tăng từ các nhà công nghiệp hàng đầu nước Nga. Điển hình như "ông trùm" kinh doanh kim loại Oleg Deripaska, tỉ phú Alexey Mordashov (Chủ tịch Tập đoàn Severstal đứng đầu thị trường thép và khai khoáng Nga), hay doanh nhân Sergey Chemezov (người đứng đầu Tập đoàn quốc phòng Rostec đầy ảnh hưởng tại Nga) đều đã lên tiếng phản ứng, theo tờ Politico. Tại một hội nghị ở thành phố St.Petersburg (Nga) ngày 27.11, tỉ phú Mordashov đã chỉ trích chính sách của Ngân hàng Trung ương Nga là "thuốc mà có hại hơn cả căn bệnh".

Trong bối cảnh như vậy, nếu có thể kết thúc cuộc chiến mà vẫn có được "thành tựu" để đối nội thì cũng là chọn lựa không thể tốt hơn. "Thành tựu" ở đây chính là việc Nga đã chiếm được một số vùng đất của Ukraine. Thực tế, Moscow gần đây cũng liên tục tỏ ý sẵn sàng đàm phán.

Tuy nhiên, ngay cả khi chiếm được các vùng đất trên, việc kết thúc chiến dịch quân sự cũng không đồng nghĩa với việc Moscow đạt được mục tiêu. Trong bài phát biểu hồi tháng 2.2022 khi tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không thể cảm thấy an toàn, phát triển và tồn tại trong khi phải đối mặt với mối đe dọa vĩnh viễn từ Ukraine. Đe dọa mà ông nói chính là nguy cơ NATO tiếp nhận Ukraine khi mở rộng về phía đông. Vì thế, ông Putin tuyên bố Moscow "tìm cách phi quân sự hóa" Kyiv. Thế nhưng, đến nay rõ ràng Moscow không đạt được điều đó. Không những vậy, sau khi Moscow tiến quân thì Thụy Điển và Phần Lan đã gia nhập NATO. Sắp tới, nếu kết nạp thêm Ukraine, NATO sẽ tiến sát biên giới Nga. Tại phía tây của Nga, "vùng đệm" duy nhất giữa nước này với NATO chỉ còn Belarus.

Hàng ngàn binh sĩ Ukraine bỏ trốn ?

Trang Defense News ngày 29.11 dẫn lời các binh sĩ, luật sư và quan chức Ukraine cho biết hàng ngàn binh sĩ đã đào ngũ, bỏ trốn khỏi các vị trí chiến đấu ở tiền tuyến. Một số chỉ huy và binh sĩ cho biết ở một số nơi, toàn bộ đơn vị rời bỏ vị trí, bỏ lại phòng tuyến trước nguy cơ bị đối phương kiểm soát trong khi đồng đội gặp nguy hiểm.

Một số người xin nghỉ vì lý do y tế nhưng sau đó không quay trở lại. Một số xung đột với chỉ huy và không chấp hành mệnh lệnh, đôi khi ngay giữa lúc chiến đấu. Một số người nói cảm thấy mệt mỏi vì cường độ chiến sự, bị ảnh hưởng tâm lý lẫn cảm xúc.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.