Bà Tetyana Sapian, người phát ngôn của cơ quan điều tra, nói với hãng tin Interfax-Ukraine về việc mở một cuộc điều tra hình sự về việc lạm dụng quyền lực và đào ngũ tại lữ đoàn này.
Lữ đoàn 155, còn có tên gọi là “Anne de Kyiv”, có khoảng 5.800 binh lính. Khoảng 2.000 người trong đó đã dành nhiều tháng huấn luyện tại Pháp vào năm 2024. Ở đó, họ được đánh giá khá cao; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân gặp một số tiểu đoàn của Lữ đoàn 155 trong chuyến thăm một căn cứ của Pháp vào tháng 10.2024.
Paris cũng trang bị vũ khí Pháp cho lữ đoàn này, bao gồm 18 xe bọc thép AMX 10, 18 pháo Caesar gắn trên xe tải và 128 xe chở quân bọc thép. Đơn vị cũng nhận một số xe tăng chủ lực Leopard 2A4 do Đức sản xuất.
Đến tháng 11, lữ đoàn 155 đã sẵn sàng ra tiền tuyến sau khi được phương Tây huấn luyện và trang bị tận răng.
Tuy nhiên, phóng viên Ukraine Yuriy Butusov cho biết lữ đoàn gặp vấn đề lớn về đào ngũ và lãnh đạo yếu kém, ngay cả trước khi được triển khai đến điểm nóng Pokrovsk ở miền đông. Ông Butusov nói “1.700 quân nhân đã tự rời khỏi đơn vị” trước khi tham chiến.
Một nguyên nhân chính, theo ông Butusov, là nhiều người trong đơn vị đã bị cưỡng bức bắt nhập ngũ trên các đường phố Ukraine.
Sự bất ổn cũng bao trùm lên ban lãnh đạo của Lữ đoàn 155. Vài ngày sau khi triển khai ở tuyến đầu, chỉ huy lữ đoàn đột ngột từ chức.
Để khắc phục tình hình, giới chỉ huy Ukraine đã quyết định chia nhỏ lữ đoàn 155 để bổ sung binh sĩ cho các đơn vị đang chiến đấu ở Pokrovsk.
Nhìn chung, lữ đoàn “Anne of Kyiv” chỉ là một trong số nhiều dự án đào tạo mà Pháp và châu Âu đã và đang thực hiện cùng Ukraine. Kể từ cuối năm 2022, hơn 63.000 quân nhân Ukraine đã được đào tạo theo Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU, một chương trình do liên minh này tài trợ, yêu cầu các quốc gia thành viên giảng dạy và trang bị cho lực lượng của Kyiv.
Chương trình có ngân sách 420 triệu USD trong hai năm, kết thúc vào tháng 11.2026.
Bình luận (0)