Ukraine không cho Nga trung chuyển khí đốt tới châu Âu, gọi đây là sự kiện lịch sử

Văn Khoa
Văn Khoa
01/01/2025 14:36 GMT+7

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo Gazprom buộc phải dừng vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua ngã Ukraine vào sáng nay 1.1 sau khi Kyiv từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Moscow.

"Vì Ukraine liên tục từ chối gia hạn các thỏa thuận này, Gazprom đã bị tước mất khả năng kỹ thuật và pháp lý cung cấp khí đốt để vận chuyển qua ngã Ukraine kể từ ngày 1.1.2025. Việc cung cấp khí đốt của Nga để vận chuyển qua ngã Ukraine đã dừng lại vào lúc 8 giờ sáng theo giờ Moscow", Gazprom thông báo, theo Hãng tin TASS.

Gazprom chỉ ra rằng các thỏa thuận vận chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm với công ty Naftogaz của Ukraine về hợp tác giữa các đơn vị khai thác hệ thống vận chuyển khí đốt của Nga và Ukraine đã hết hạn vào ngày 1.1. Thỏa thuận này quy định vận chuyển 40 tỉ m3 khối khí đốt của Nga qua ngã Ukraine mỗi năm.

Thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga ở Ukraine chấm dứt, Moscow mất 5 tỉ doanh thu

Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỉ m3 khí đốt qua Ukraine tới châu Âu vào năm 2023, giảm so với mức 65 tỉ m3 khi hợp đồng 5 cuối cùng bắt đầu vào năm 2020.

"Chúng tôi đã dừng trung chuyển khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất về tài chính. Châu Âu đã đưa ra quyết định từ bỏ khí đốt của Nga", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm nay, theo Reuters.

Ukraine không cho Nga trung chuyển khí đốt tới châu Âu, gọi đây là sự kiện lịch sử- Ảnh 1.

Logo của Tập đoàn khí đốt Gazprom

Ảnh: Reuters

Bộ Năng lượng Ukraine cũng nhấn mạnh việc vận chuyển khí đốt của Nga qua ngã Ukraine "đã bị dừng lại vì lợi ích an ninh quốc gia".

Việc dừng trung chuyển khí đốt nói trên sẽ khiến Gazprom mất gần 5 tỉ USD doanh số bán khí đốt, trong khi Ukraine sẽ không thu được khoảng 800 triệu USD/năm phí trung chuyển từ Nga, theo Reuters.

Việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua ngã Ukraine đã được dự kiến diễn ra sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022. Ukraine đã kiên quyết không gia hạn thỏa thuận trong bối cảnh có xung đột quân sự.

Nga hiện vẫn xuất khẩu khí đốt qua đường ống TurkStream ở biển Đen. TurkStream có hai tuyến - một tuyến cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng ở Trung Âu, trong đó có Hungary và Serbia, theo Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi xung đột quân sự nổ ra ở Ukraine vào năm 2022 bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế. Những bên mua khí đốt còn lại của Nga thông qua Ukraine như Slovakia và Áo cũng đã sắp xếp nguồn cung thay thế.

Moldova là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi việc trung chuyển khí đốt từ Nga qua ngã Ukraine dừng lại. Moldova cho hay nước này sẽ cần đưa ra các biện pháp để giảm 1/3 lượng khí đốt sử dụng.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của EU về diễn biến nói trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.