Đài BBC cho biết phát ngôn này được đưa ra sau khi Tổng thống Zelensky gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ở Kyiv.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine càng sớm càng tốt, cho rằng Berlin đang "lãng phí thời gian".
Trong một cuộc họp báo ở Kyiv, ông nói: "Dù sao thì quý vị cũng sẽ làm điều đó, đó chỉ là vấn đề thời gian và tôi không hiểu tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian".
Ngoại trưởng Kuleba cũng cho rằng "không có một lý lẽ khách quan nào" để ngăn cản việc chuyển giao tên lửa Taurus.
Đây là chuyến thăm Ukraine thứ tư của bà Baerbock kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022. Bà cho biết Đức "sẽ không ngừng hỗ trợ" Ukraine, nhưng "mọi vấn đề" phải được giải quyết trước khi Berlin quyết định cung cấp loại vũ khí tầm xa như Taurus.
Có thiết kế tương tự như tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG mà Anh và Pháp đã viện trợ cho Ukraine, Taurus có thể mang đầu đạn 500 kg tấn công mục tiêu xa 500 km.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz còn lưỡng lự chưa cung cấp loại vũ khí này vì e ngại Ukraine sẽ dùng để tấn công lãnh thổ Nga, làm leo thang xung đột.
Theo truyền thông Đức, có dấu hiệu cho thấy ông Scholz đang thảo luận với hãng vũ khí MBDA về việc giới hạn tầm bắn của Taurus.
Ngoại trưởng Kuleba vào tháng 8 cam kết Ukraine sẽ chỉ dùng các tên lửa tầm xa "bên trong biên giới của mình".
Mỹ sẽ cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa mang đạn chùm?
Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ cho Ukraine lớn thứ 2 sau Mỹ. Nước này đã chuyển nhiều loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, từ pháo tự hành, tên lửa phòng không IRIS-T và Patriot, đến xe tăng Leopard và xe bọc thép Marder.
Moscow nhiều lần cảnh báo rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ không ngăn Nga tiếp tục thực hiện các mục tiêu của chiến dịch quân sự, và sẽ chỉ kéo dài xung đột.
Bình luận (0)