(TNO) Hai nước chủ nhà Ukraine và Ba Lan tất nhiên đã có doanh thu lớn từ Euro 2012 và thu lợi rất nhiều về mặt hình ảnh. Nhưng doanh thu ấy lại không đủ để bù đắp cho sự đầu tư rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần mà họ đã bỏ ra.
>> Những chuyện lạ ở Euro 2012
>> Khai mạc Euro 2012: Warsaw tràn ngập sắc màu
>> UEFA lãi to với Euro 2012
|
Theo bảng báo cáo thống kê sơ bộ từ công ty kiểm toán Deloitte, cho đến thời điểm này tổng doanh thu mà 2 nước đồng chủ nhà Ukraine - Ba Lan thu về lên đến 610 triệu euro (750 triệu USD, làm tròn số). Ukraine, nước đứng ra tổ chức trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Ý đã "bỏ túi" xấp xỉ 383 triệu euro, còn Ba Lan thấp hơn một chút, vào khoảng 228 triệu euro.
Theo đánh giá của những chuyên gia tài chính hàng đầu châu Âu, tổng doanh thu 610 triệu euro không lớn, khi biết rằng Áo và Thụy Sỹ kiếm được tới hơn 1,2 tỷ euro từ việc đăng cai Euro 2008.
Và đáng nói hơn, chi phí để Ba Lan và Ukraine tổ chức giải cao hơn 4 năm trước rất nhiều: tổng cộng 2 nước bỏ ra tới 36,2 tỷ euro (44,5 tỷ USD) để đăng cai Euro 2012. Trong số này, Ba Lan chi 24,4 tỷ euro còn Ukraine chi khoảng 6,5 tỷ euro, còn lại do UEFA và nhà tài trợ góp vào (không hoàn lại).
Số tiền mà Ba Lan và Ukraine đầu tư cho Euro 2012 đã trở lập một kỷ lục đáng sợ. Nó cao gấp 40 lần chi phí tổ chức Euro 2008 và hơn 3 lần chi phí để Hy Lạp đăng cai Olympic 2004. Để so sánh với sự kiện siêu tốn kém này, chỉ có Olympic Bắc Kinh 2008 (35,8 tỷ euro, tương đương 44 tỷ USD) là xứng đáng. Nên nhớ, nền kinh tế Ba Lan và Ukraine cộng lại cũng chưa bằng 1/10 nền kinh tế Trung Quốc.
|
Theo đánh giá, chi phí lớn nhất mà hai nước đồng chủ nhà Euro 2012 phải bỏ ra nằm ở cơ sở hạ tầng, gần như phải xây mới hoàn toàn.
"Chỉ riêng chi phí xây mới sân Olympic (Ukraine) đã ngốn mất gần 500 triệu euro. Trung bình mỗi ngày một công nhân nhận khoảng 16 euro cho một ngày công và công việc này nó kéo dài hàng năm...", Jacek Bochenek, người đứng đầu dự án tại Euro 2012 của hãng kiểm toán Deloitte cho biết.
Cần phải nhắc lại, chi phí xây sân Olympic cao gấp rưỡi sân bóng được coi là hiện đại nhất châu Âu hiện nay là Allianz Arena của Đức (nơi diễn ra trận chung kết Champions League giữa Bayern Munich và Chelsea hồi cuối tháng 5.2012).
Và không bất ngờ khi Vitali Klitschko, võ huyền thoại của Ukraine đồng thời cũng là một chính trị gia, đã phải lên tiếng than: “Người dân Ukraine đang tự hỏi tại sao chi phí xây dựng các sân đấu của Euro 2012 lại cao gấp đôi chi phí xây dựng thường thấy trên khắp châu Âu!?”.
|
Nguồn thu lớn nhất từ Euro 2012 mà hai nước Ukraine và Ba Lan sẽ đem lại cho người dân nước này là đường sá, sân bay và bến tàu, những công trình mang lại lợi ích lâu dài.
Còn riêng với lợi ích kinh tế, "Mục tiêu của Ba Lan và Ukraine là sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội lên thêm 2% cho đến năm 2020”, ông Jacek Bochenek nói tiếp. Tuy nhiên, tất cả đều ở thì tương lai.
Sơn Tùng
Bình luận (0)