Xe

Ùn tắc giao thông: Ý thức dân kém hay xử phạt không nghiêm?

Bài toán chống ùn tắc không chỉ thu hút sự tham gia của các tổ chức tư vấn để giật giải 300.000 USD do Hà Nội treo thưởng, mà còn rất nhiều ý kiến “phi lợi nhuận” của các chuyên gia giao thông, cá nhân tâm huyết.

Dưới đây là ý kiến chống ùn tắc của ông Vũ Thế Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thái Sơn.
Theo ông Vũ Thế Minh: "Nếu so sánh với các nước trong khu vực, như số người/km2 diện tích thành phố, số người/1km chiều dài đường giao thông, số người/ km2 diện tích đường giao thông,... rõ ràng Việt Nam không thể cao hơn so với các nước trong khu vực như Singapore, Hồng Kông... Vậy tại sao những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, chúng ta lại bị tắc đường ghê hơn hẳn?
Có một điểm lâu nay chúng ta vẫn bị bỏ quên, nhưng lại rất quan trọng, đó là tốc độ lưu thông của các phương tiện trên đường.
Có 2 cách làm giảm mật độ giao thông trên đường xuống còn một nửa, một là tăng diện tích đường lên gấp đôi, hai là tăng tốc độ trung bình lên gấp đôi, tức là giảm được thời gian đi từ A đến B chỉ còn 1 nửa. Lưu lượng luân chuyển được tăng gấp đôi.
Ở nước ta, tốc độ trung bình của các phương tiện cực thấp, ví dụ cùng 1 độ rộng đường 2 làn, thì ở Đài Loan, Hàn, hay châu Âu, Úc, Mỹ... họ vẫn chạy tốc độ từ 50-60-70km/h trở lên, nhưng các con đường nội đô Hà Nội, TP.HCM chúng ta luôn chỉ chạy 10-20km/h.
Câu hỏi đặt ra tại sao tốc độ di chuyển của các nước cao? Ngoài việc tổ chức giao thông tốt hơn, quan trọng nhất là người dân họ đi đúng luật, đúng làn, đúng thứ tự ưu tiên,... còn chúng ta thì đi như đường làng, mạnh ai nấy đi, cứ ở trên là chèn ở dưới, đi luồn lách như cá bơi, rẽ thì đâm đối đầu vào làn trước mặt, qua đường thì tung tăng như sân nhà mình, không bao giờ quan tâm người thằng đi thẳng được ưu tiên tuyệt đối, người rẽ và chuyển làn hay sang đường phải nhường đường tuyệt đối cho người đang đi thẳng với tốc độ cao...
Nước ngoài 2 - 3 phương tiện cùng rẽ thì giữ nguyên tốc độ đi trên những làn đường song song nhau, mình thì chèn nhau thoải mái nên tốc độ tụt xuống còn 1/5 và nhiều tai nạn....
Và tóm lại các lỗi này do đâu? Do ý thức người dân hay do pháp luật không nghiêm? Do không phát hiện ra và phạt thật nặng? CSGT hiện nay chỉ phạt mấy lỗi dễ nhìn như dừng quá vạch, vượt đèn đỏ, rẽ không xi-nhan...? Riêng lỗi rẽ không xi-nhan, theo ý kiến của tôi, khi rẽ/chuyển làn thì quan trọng nhất là cần: Nhìn gương hậu, ngoái qua vai, và nhường tuyệt đối cho những phương tiện đang đi đúng. Còn như hiện nay, bật xi nhan rồi rẽ tạt đè các phương tiện đang đi thẳng thì tai nạn xảy ra ngay, chí ít thì các phương tiện cũng phanh dúi phanh dụi chúi vào nhau, giảm lưu lượng giao thông, hoặc gây tai nạn nguy hiểm gây ách tắc...
Các hiện tượng này, các bạn nào đã từng đi nước ngoài đều thấy khác biệt rất rõ trong giao thông ở nước ngoài với Việt Nam, mặc dù Luật Giao thông của chúng ta không hề khác họ, vì ta học từ họ, nhưng không biết áp dụng giống như họ.
Tai sao người Việt Nam ra nước ngoài lái xe lập tức tuân thủ ngay cách đi đúng của nước sở tại, rất chuẩn ?
Tại sao người nước ngoài sang Việt Nam vài hôm là bắt đầu đi láo nháo giống người Việt ?
Các bạn có thể tự trả lời! Họ sợ bị phạt ở nơi pháp luật nghiêm minh, và họ buông thả ở nơi lỏng lẻo...
Tóm lại, có mở đường bao nhiêu nữa mà tác phong giao thông như vậy, tốc độ lưu thông luôn được khuyến khích chậm lại là tốt, thì vẫn ùn tắc. Phải thay đổi trong cách quản lý giao thông từ trên xuống, chứ không phải đổ tại người dân và chờ người dân thay đổi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.