|
Cần xanh lại... đỏ
Sự bất hợp lý trong thời gian chờ đèn xanh, đèn đỏ đang diễn ra ở khá nhiều giao lộ. Tại ngã ba đường Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng Tám (Q.1) đèn xanh chỉ có 12 giây, không đủ cho xe lưu thông từ đường Bùi Thị Xuân rẽ trái ra đường Cách Mạng Tháng Tám, dẫn đến cảnh lộn xộn thường xảy ra tại khu vực luôn đông đúc này.
Thậm chí, ngay cả không phải giờ cao điểm, xe cộ từ hướng Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành dồn dập đổ về hướng đường Phạm Hồng Thái cũng bị chốt lại quá lâu do đèn xanh phía Phạm Hồng Thái chỉ có 27 giây trong khi đèn đỏ lên đến 47 giây. “Bởi vậy, nhiều lúc chưa kịp đi đã đến lượt đèn đỏ, gây cảm giác rất bực mình”, chị Yến, làm việc tại đường Lê Thị Riêng (Q.1), bức xúc. Cách đó chừng vài trăm mét, tại ngã tư Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, đèn tín hiệu cũng làm khó người đi đường. Đường Tôn Thất Tùng rộng và nhiều xe hơn nhưng thời gian chờ đèn đỏ lên đến 35 giây còn thời gian đèn xanh chỉ 21 giây.
|
Người dân thường xuyên đi trên đường Hoàng Diệu - Đoàn Văn Bơ (Q.4) cũng rất bức xúc khi gặp cảnh ùn ứ do sự bất hợp lý của đèn tín hiệu giao thông. Đường Hoàng Diệu là trục đường chính của Q.4 nhưng đèn xanh chỉ có 29 giây trong khi đèn đỏ lên đến 36 giây. Đèn xanh quá ngắn nên vào mỗi buổi sáng, xe cộ xếp hàng dài từ đầu đường Hoàng Diệu (chân cầu Ông Lãnh) để chờ đến lượt đèn xanh nhưng chỉ nhích được vài mét lại tới đèn đỏ. Bởi vậy, xe ở phía Hoàng Diệu có khi phải mất 15 phút mới qua được ngã tư này. Trong khi đó, phía đường Đoàn Văn Bơ không phải trục giao thông chính, vắng xe cộ hơn thì thời gian đèn xanh lại lâu hơn. Bất hợp lý hơn là giao lộ cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu. Đổ dốc cầu Ông Lãnh xuống ngã ba này đèn xanh chỉ có 17 giây trong khi đèn đỏ tới 90 giây (trước đó có thời điểm đèn đỏ gần 100 giây) khiến tình trạng xe xuống cầu rồi "tắc" lại thành hàng dài vào giờ cao điểm.
“Xanh thì xanh hết, đỏ thì đỏ hết”
Trong khi đó, nhiều nơi đèn tín hiệu giao thông lại theo kiểu “con đậu con bay”. Ví dụ tại ngã tư đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi và ngã tư Tôn Thất Tùng - Lê Lai, trong khi 2 ngã tư này chỉ cách nhau chưa đầy 10 m. Xe lưu thông trên đường Tôn Thất Tùng vừa vượt qua ngã tư này (đèn xanh) lại phải dừng lại ngay tại ngã tư kia (đèn đỏ). “Lẽ ra hai ngã tư quá gần nhau như thế phải cùng một pha đèn, hễ xanh thì xanh hết, đỏ thì đỏ hết”, một người đi đường phàn nàn. Thực ra trước kia đã từng có đề xuất thực hiện mô hình “làn sóng xanh” tại các đoạn đường có nhiều nút đèn liền kề, giúp người tham gia giao thông có thể đi qua cùng lúc nhiều nút đèn xanh liên tục nhưng vẫn còn nhiều nơi không áp dụng. Việc chờ đèn đỏ quá lâu hoặc đèn đỏ - đèn xanh quá gần nhau có thể khiến nhiều người không kiên nhẫn sẽ chen lấn, dẫn đến ùn tắc đường.
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia giao thông, cho rằng trong quản lý giao thông đô thị, VN áp dụng các quy định có sẵn trên thế giới là điều nên làm. Tuy nhiên, bắt chước không phải là lắp ghép lung tung của nhiều nước mà nên thống nhất một mô hình. Như trường hợp biển hướng dẫn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương lắp ghép quy định của nhiều nước nên không đồng bộ. Cụ thể, màu xanh lá cây là bắt chước của Mỹ, một số chi tiết khác lại bắt chước châu u, có cái thì tự chế. Trong khi Singapore, Indonesia chỉ áp dụng của Mỹ. Ông Đồng còn dẫn chứng trường hợp đường ngang xe lửa đoạn qua TP.HCM, biển báo cấm băng ngang hiện nay được sơn màu xanh nước biển. Trong khi trên thế giới, biển cấm băng ngang đường sắt sử dụng màu vàng sọc đen, còn màu xanh là được phép băng qua.
|
Cần hệ thống "giao thông thông minh"
Về nguyên tắc lập trình đèn tín hiệu thì luồng đường đông xe thời gian đèn xanh phải nhiều hơn luồng ít xe. Khi đèn xanh bật lên, người điều khiển phương tiện, nhất là đối với ô tô không thể rồ máy chạy ngay được giống như đua xe mà phải mất ít nhất 4 - 5 giây mới dần di chuyển được. Vì vậy, thời gian đèn xanh quá nhanh sẽ dẫn đến ùn ứ. Với trường hợp đường Đồng Khởi, ông Đồng cho rằng: “Theo kinh nghiệm ở các nước phương Tây, nên cho 2 luồng cùng bật đèn đỏ trong khoảng 10 - 15 giây để người đi bộ có thể băng qua đường an toàn”.
Còn theo chuyên gia GTVT - KS Nguyễn Công Minh (nguyên cán bộ Sở GTVT TP.HCM), giao thông trong một đô thị là bài toán của cả một mạng lưới chứ không phải là một điểm, một giao lộ. Do vậy, khi có sự điều chỉnh giao thông (thay đổi thời gian các pha đèn tín hiệu giao thông, phân luồng lại giao thông hay làm cầu vượt...) ở một giao lộ nào đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng xem tác động của nó đến các giao lộ khác trong mạng lưới như thế nào. Việc này nhằm tránh xảy ra tình trạng khi giải quyết thông thoáng ở giao lộ này thì lại gây ùn tắc ở giao lộ khác.
Theo ông Minh, một đô thị lớn như TP.HCM từ lâu lẽ ra đã phải ứng dụng hệ thống "Giao thông thông minh" (ITS). Trên thế giới, hệ thống ATC (trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông) giúp vận hành việc đi lại trong mạng lưới đèn tín hiệu giao thông tối ưu nhất, không có cảnh đèn tín hiệu giao thông không hợp lý, tạo các “làn sóng xanh” khi cần thiết. Với sự tiến bộ của ITS hiện nay và đặc biệt là sự phát triển điện toán đám mây, cơ quan quản lý giao thông đô thị sẽ có được hình ảnh, dữ liệu, hoạt động của mạng lưới giao thông, giúp cho nhà quản lý điều khiển được giao thông tốt hơn.
"Nếu không ứng dụng căn bản ITS cho quản lý giao thông đô thị thì sẽ rất khó để tổ chức đi lại tốt; rất khó để đầu tư đúng, hiệu quả; rất khó để phát triển giao thông công cộng tối ưu", ông Minh nói.
Đình Mười - Mai Vọng
>> Kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 1
>> Khu vực phà Cát Lái kẹt xe nghiêm trọng
>> Kẹt xe trên đèo
>> Đồng bộ hóa đèn giao thông để tránh kẹt xe
>> Cần có chốt đèn giao thông
>> Góp ý điều chỉnh nút đèn giao thông
>> Nghịch lý chốt đèn giao thông
Bình luận (0)