Ứng dụng Hỗ trợ cứu nạn của SV ĐH Duy Tân đứng nhất cuộc thi OSM Hackfest 2023

18/08/2023 11:49 GMT+7

Tại vòng chung kết cuộc thi OSM Hackfest 2023, diễn ra ngày 28.7 tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ứng dụng "Lifeline Assistance" của đội tuyển DTU-DZ đến từ Đại học (ĐH) Duy Tân đã được chọn trao giải nhất.

Tận dụng dữ liệu không gian, công cụ và dịch vụ mở có trong hệ sinh thái OpenStreetMap (OSM) để xây dựng hệ thống giúp đánh dấu và hỗ trợ những nơi bị nạn hoặc người cần giúp đỡ, ứng dụng "Lifeline Assistance" của đội tuyển DTU-DZ gồm 5 sinh viên ngành Công nghệ thông tin đến từ ĐH Duy Tân đã được chọn trao giải Nhất tại Cuộc thi OSM Hackfest 2023. Vòng chung kết của cuộc thi quy tụ 12 đội tuyển là sinh viên theo học khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn quốc tham dự, với những đề tài/ứng dụng xuất sắc nhất.

OSM Hackfest là sự kiện được tổ chức thường niên bởi Open Mapping Hub - châu Á Thái Bình Dương (OMH-AP). Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2023 do Khoa CNTT, Trường ĐH Mỏ - Địa chất và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cùng phối hợp, cuộc thi hướng đến nâng cao nhận thức và kỹ năng làm chủ các công nghệ, nền tảng mã nguồn mở, bản đồ và dữ liệu mở trong thời đại Chuyển đổi Số với mục tiêu vì cộng đồng dành cho sinh viên khối ngành CNTT, Khoa học máy tính và kỹ thuật.

Đội DTU-DZ của ĐH Duy Tân được trao giải Nhất tại Cuộc thi OSM Hackfest 2023

Đội DTU-DZ của ĐH Duy Tân được trao giải Nhất tại Cuộc thi OSM Hackfest 2023

Các đề tài tham dự cần thể hiện rõ việc sử dụng công nghệ mã nguồn mở và dữ liệu mở hoặc bổ sung thêm các công cụ, dịch vụ hỗ trợ (không giới hạn) để giải quyết các vấn đề liên quan đến: Chống chịu thiên tai và khí hậu; Sức khỏe con người và an sinh xã hội; Bình đẳng giới; Thành phố và cộng đồng bền vững; Di chuyển và di dân an toàn.

Vượt qua nhiều đề tài đăng ký tham dự, 12 ý tưởng của 12 đội sinh viên thuộc 4 trường ĐH đã được lựa chọn vào vòng Chung kết OSM Hackfest 2023 gồm:

  • ĐH Mỏ - Địa chất (7 trường),
  • ĐH Phenikaa (2 đội),
  • ĐH Giao thông vận tải (2 đội), và
  • ĐH Duy Tân (1 đội).

Tại vòng thi này, những điểm mạnh của các đề tài được các đội giới thiệu một cách chi tiết nhất thông qua phần thuyết trình dự án. Lựa chọn chủ đề khá "nóng" và vô cùng cần thiết hiện nay, ứng dụng "Lifeline Assistance" của nhóm DTU-DZ với 5 thành viên là sinh viên của ĐH Duy Tân gồm: Lê Thanh Trường, Trương Công Thạch, Trần Trung Trực, Nguyễn Ngọc Khánh, và Phùng Văn Mạnh nhanh chóng gây ấn tượng mạnh và được Ban giám khảo trao giải nhất cuộc thi.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài, Ths. Nguyễn Quốc Long - Giảng viên Khoa CNTT, Trường Khoa học máy tính (SCS), ĐH Duy Tân cho biết: "Những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường hay chiến tranh giữa các quốc gia đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, kinh tế của người dân trên toàn thế giới. Hàng triệu người mất đi nguồn thu nhập và các nhu yếu phẩm cần thiết để sống trong khi môi trường sống bị hủy hoại hoàn toàn đã khiến việc xây dựng một chương trình với mục đích giúp đỡ và cứu trợ những khu vực đang gánh chịu các thảm họa và xung đột là vô cùng cần thiết. Đó cũng chính là khởi nguồn cho ý tưởng xây dựng hệ thống 'Lifeline Assistance' của các bạn sinh viên trong nhóm DTU-DZ".

Với "Lifeline Assistance", dựa trên các dữ liệu không gian, công cụ và dịch vụ mở có trong hệ sinh thái OpenStreetMap (OSM), nhóm DTU-DZ đã xây dựng hệ thống giúp đánh dấu và hỗ trợ những nơi bị nạn hoặc cứu trợ các nạn nhân tại đó. Dữ liệu không gian từ OSM sẽ được sử dụng để định vị và đánh dấu vị trí của các địa điểm cần giúp đỡ, đồng thời tìm kiếm và xác định các Trung tâm Cứu trợ và cứu hộ gần nhất để có thể hỗ trợ người gặp nạn một cách nhanh nhất.

Giao diện SOS - nơi mà người bị nạn có thể phát tín hiệu cần giúp đỡ

Giao diện SOS - nơi mà người bị nạn có thể phát tín hiệu cần giúp đỡ

Dữ liệu trên Web app "Lifeline Assistance" bao gồm thông tin về đường phố, khu vực, địa điểm và các yếu tố không gian khác. Hệ thống sẽ sử dụng API của OSM để truy cập và tải xuống các tập tin dữ liệu OSM liên quan đến khu vực cần hỗ trợ. Tiếp theo, công cụ và dịch vụ mở trong hệ sinh thái OSM sẽ được áp dụng để xử lý dữ liệu và trực quan hóa thông tin. Công cụ Mapbox Studio cho phép tạo và tùy chỉnh bản đồ dựa trên dữ liệu OSM, giúp hệ thống hiển thị bản đồ chi tiết và rõ ràng, ghi nhận các địa điểm bị nạn và người cần giúp đỡ một cách dễ nhìn và dễ sử dụng. Hơn nữa, dịch vụ Nominatim trong hệ sinh thái OSM được sử dụng để tìm kiếm và định vị địa lý dựa trên thông tin địa chỉ hoặc tọa độ. Điều này giúp hệ thống có thể xác định chính xác vị trí của các tình huống cần giúp đỡ và tạo thuận lợi cho người dùng trong việc tìm kiếm hay phân loại thông tin.

Lê Thanh Trường - Trưởng nhóm DTU-DZ chia sẻ: "Ban đầu khi nhận được thông tin về cuộc thi, đặc biệt là nhóm chúng em tham gia khá trễ, chúng em đã rất bỡ ngỡ và bối rối trước các yêu cầu mà cuộc thi đưa ra. Tuy nhiên, khi đi sâu phân tích từng khía cạnh đề tài cần phải thực hiện, chúng em càng thấy cuộc thi thật hay và có ý nghĩa. Từ đây, các thành viên đã chuẩn bị rất kỹ từ kiến thức, kỹ năng cho đến tinh thần thi đấu. Tất cả đều động viên nhau biến áp lực thời gian thành sự quyết tâm, thành động lực để cả đội có thể thể hiện tốt nhất tại cuộc thi.

May mắn lớn nhất của nhóm chính là được thầy Nguyễn Quốc Long hướng dẫn rất tận tình, thậm chí thầy còn sắp xếp một phòng làm việc riêng cho nhóm chúng em ở ngay tại nhà thầy và lo cả chuyện ăn uống cho nhóm trong suốt thời gian thực hiện đề tài để các thành viên trong nhóm không phải di chuyển nhiều và tìm kiếm địa điểm làm việc chung mỗi lần gặp nhau. Nhờ vậy, chúng em có được sự tập trung tối đa và nâng cao được năng suất, hiệu quả làm việc trong suốt quá trình thực hiện đề tài".

Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao các giải:

Giải nhất: đề tài "Lifeline Assistance" của đội DTU-DZ, ĐH Duy Tân;

Giải nhì: đề tài "ClassGuard" của đội GDSC HUMG và đề tài "Air quality Monitoring System" của đội CNTT CLCK66 cùng đến từ ĐH Mỏ - Địa chất;

Giải ba:

  • đề tài "Ứng dụng công nghệ Unity AR kết hợp OSM để xây dựng ứng dụng quảng bá địa du lịch" của đội PGDC;
  • đề tài "Xây dựng bản đồ văn hóa du lịch sử dụng OSM" của đội PKA-AioT cùng đến từ ĐH Phenikaa và đề tài "Web cảnh báo - phòng chống thiên tai, lũ lụt" của đội Overthinking thuộc ĐH Giao thông vận tải;

Các giải Triển vọng được trao cho:

  • đề tài "Real-time urban heat island and local flooding hubs alerting" của đội Dino4squad, đề tài "Xây dựng app cảnh báo an toàn cho ngư dân đi biển" của đội HTTT, đề tài "Xây dựng bản đồ sức khỏe cộng đồng" của đội HUMG-DHT cùng đến từ ĐH Mỏ - Địa chất;
  • đề tài "Website bán và giới thiệu sản phẩm thân thiện với môi trường kết hợp với các ấn phẩm, video kêu gọi bảo vệ môi trường" của đội SFIT Evironment thuộc ĐH Giao thông vận tải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.