Ủng hộ tách riêng hệ thống tạm giữ, tạm giam

03/06/2015 05:33 GMT+7

Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, mô hình nhà tạm giữ, trại tạm giam cần tổ chức lại theo hệ thống ngành dọc, vẫn thuộc Bộ Công an nhưng độc lập với cơ quan điều tra.

Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, mô hình nhà tạm giữ, trại tạm giam cần tổ chức lại theo hệ thống ngành dọc, vẫn thuộc Bộ Công an nhưng độc lập với cơ quan điều tra.

Ủng hộ tách riêng  hệ thống tạm giữ, tạm giamPhó chủ tịch QH Uông Chu Lưu  - Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là quan điểm của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận tổ chiều qua (2.6) về dự án luật Tạm giữ, tạm giam (TGTG) và luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Phòng hỏi cung phải có máy ghi âm, ghi hình
Thảo luận về dự luật TGTG, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định đây là dự luật rất quan trọng. “Qua tổng kết công tác điều tra, công tác tòa án, giám sát oan sai, thực tế dẫn đến oan sai, bức cung, nhục hình... thường xảy ra ở khâu TGTG, nên ban hành luật TGTG, để cụ thể hóa bảo vệ quyền con người, cũng nhằm khắc phục những bất cập của công tác điều tra”, ông Lưu nói.
Đồng tình quan điểm “chế độ của người bị TGTG phải hơn người đã bị tòa tuyên”, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng chế độ ăn mặc, sinh hoạt... của người bị TGTG “phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Tất cả các điều này cần quy định cụ thể, càng minh bạch trong luật càng tốt”.
Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đồng tình tổ chức lại mô hình nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống ngành dọc. Hệ thống này vẫn thuộc Bộ Công an nhưng độc lập với cơ quan điều tra để bảo đảm việc hỏi cung phải qua trích xuất, tránh sự tùy tiện. Phòng hỏi cung tại các trại tạm giam phải có máy ghi âm, ghi hình để chống việc bức cung, nhục hình.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) ủng hộ quan điểm người bị TGTG ngoài việc bị hạn chế một số quyền như tự do đi lại, cư trú, bầu cử, ứng cử.... thì các quyền khác phải được bảo đảm. Theo đó người bị TGTG có quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người thân và một số quyền dân sự khác... ĐB Nghĩa cũng đề nghị nghiên cứu việc nhiều trường hợp người bị TGTG là đối tượng tham gia vào nhiều quan hệ, ví dụ như chủ doanh nghiệp, sau này có thể được xác định là oan, hoặc hưởng án treo nhưng quá trình TGTG nhiều quyền bị hạn chế, gây ảnh hưởng rất lớn, làm đình đốn doanh nghiệp ảnh hưởng đến nhiều người khác.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng luật cần được thiết kế phù hợp với dự luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Cụ thể các vấn đề như việc mở rộng quyền tham gia của luật sư, quyền im lặng, việc sao chép tài liệu cho bị cáo, ghi âm ghi hình...
“Đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá cũng không nên”
Đóng góp dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng hiện tại đang có tình trạng nặng về điều tra mà nhẹ về công tác phòng ngừa tội phạm. “Trên thực tế các cơ quan điều tra đều có chỉ tiêu thi đua, mỗi năm triệt phá bao nhiêu vụ, khởi tố bao nhiêu vụ... cho nên khi phát hiện ra vụ án người ta tập trung công tác điều tra hoàn thành chỉ tiêu”, ĐB Ánh nói.
Về đề xuất của cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán, Tổng cục Thuế, Kiểm ngư, thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa, cho rằng “có thể bổ sung thêm kiểm ngư, còn thuế và chứng khoán thì không cần”. “Các cơ quan này, qua những vi phạm pháp luật xảy ra, có thể điều tra ban đầu rồi chuyển cơ quan điều tra. Nhưng thuế và chứng khoán không dễ dàng, đơn giản để điều tra được ngay... Thuế thì hành vi nó không diễn ra, phải qua thanh tra, kiểm tra, xác minh mới xác định vi phạm hình sự hay hành chính. Chứng khoán cũng vậy, có giao cũng không làm được do tính chất, hành vi vi phạm không đơn giản như tội phạm khác”, ông Xuyên nói.
ĐB Lê Đông Phong (Phó giám đốc Công an TP.HCM) cũng cho rằng lập luận cán bộ thuế, chứng khoán có kiến thức chuyên môn chuyên sâu... có điều kiện phát hiện tội phạm, giao nhiệm vụ điều tra ban đầu kịp thời mặc dù xuất phát từ thực tiễn nhưng khả năng tổ chức hoạt động trên thực tế như thế nào lại là vấn đề khác. Theo ĐB Phong, thực tiễn cho thấy ngay các cơ quan đã được pháp luật cho phép tiến hành một số hoạt động điều tra từ hơn 10 năm qua nhưng hầu như không dám sử dụng quyền của mình. Thay vào đó, sau khi phát hiện vấn đề thì chỉ chuyển hồ sơ chứ ít dám ra quyết định khởi tố. “Đây là vấn đề năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chứ không thuần túy dựa trên chuyên môn sâu, khả năng phát hiện tội phạm từ ban đầu”, ĐB Phong nhận định.
ĐB Đỗ Văn Đương bày tỏ không tán thành việc mở rộng các cơ quan điều tra. “Đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá cũng không nên, vì thế Bộ Chính trị đã có nghị quyết thu gọn để tập trung. Còn nếu mở rộng cho cơ quan thuế, chứng khoán thì Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải được đưa vào chứ”, ĐB Đương nói. Cũng theo ĐB Đương, việc mở rộng cũng dễ dẫn đến việc các cơ quan này vừa có quyền hành chính, vừa có quyền tư pháp nên “sợ có khả năng tư pháp để dọa người ta”.
Không vay trả nợ, phải trả bằng nguồn thu hiện hành

Sáng qua 2.6, thảo luận về dự thảo luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi, nhiều ĐBQH đã đề nghị dự án luật NSNN cần bổ sung thêm nhiều quy định hơn nữa để thắt chặt kỷ luật thu, chi ngân sách từ trung ương xuống địa phương. Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng: “Dự luật cần có cơ chế quy định hạn chế, khống chế trần chi ngoài nguồn mà QH đã duyệt. Đồng thời, thể chế hóa trách nhiệm của các tổ chức, người đứng đầu”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề xuất mọi khoản thu, chi của NSNN “phải được kiểm toán”. “Tại sao đến nay vẫn tồn tại những khoản thu lớn để ngoài cân đối, chưa đưa vào cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, còn các quỹ tài chính hoạt động độc lập ngoài ngân sách. Đây là những nguồn lực của đất nước. Làm như vậy là vô hình trung phân tán nguồn lực của đất nước. Do đó, cần hạn chế ở mức thấp nhất, khắc phục triệt để vấn đề này”, ĐB Minh nhấn mạnh.
Một trong những điểm được các ĐBQH tỏ ra lo ngại là việc Chính phủ vẫn đi vay để trả nợ, bù đắp bội chi NSNN. ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, trong tình trạng nợ công lớn như hiện nay, cứ đến hạn trả nợ gốc lại đi vay sẽ dẫn tới càng thêm khó khăn, buộc phải tiết kiệm để trả nợ... ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, vay đảo nợ sẽ dẫn đến tình trạng không thấy hiệu quả sử dụng vốn vay và che lấp hoàn toàn yếu kém sử dụng khoản nợ vay cũ. ĐB này đề nghị: “Không quy định lấy khoản vay bội chi ngân sách để trả nợ gốc cũ mà lấy nguồn thu hiện hành để trả nợ vay đến hạn”.     
Mạnh Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.