Ứng phó với khủng hoảng kinh tế: Công ty tài chính cần tăng cường bộ đệm vốn

10/02/2022 15:39 GMT+7

Trước bối cảnh khó khăn chung của ngành tài chính ngân hàng, việc củng cố bộ đệm vốn được xem là cấp thiết, giúp công ty tài chính đối phó với khủng hoảng, quản trị rủi ro hiệu quả, sớm phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trước diễn biến phức tạp của đại dịch, năm 2021 ngành tài chính ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nội bảng 1,9% (cuối năm 2020 ở mức 1,69% - tăng 0,21%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,79%. Đáng chú ý, nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 cũng như nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể tăng lên 7,31%, thậm chí còn có xu hướng tăng cao hơn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng với nhóm công ty tài chính tiêu dùng, tỷ lệ nợ xấu dự báo sẽ còn tăng khi phân khúc khách hàng chính là người lao động có thu nhập trung bình - thấp lại chính là đối tượng chịu tác động lớn từ dịch bệnh.

Do đó, nhu cầu tăng vốn là cấp thiết nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo thông lệ cũng như tăng cường khả năng chống đỡ trước những cú sốc lớn từ thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro và tổn thất. Đồng thời việc tăng vốn cũng giúp các công ty tài chính có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục khi nhu cầu của khách hàng vay tiêu dùng dự báo tăng lên, nhất là sau dịch Covid-19.

Trong năm 2021, để cải thiện bộ đệm vốn, đã có một số công ty tài chính thực hiện tăng vốn điều lệ có thể kể đến như FE CREDIT (vốn điều lệ tăng lên gần 11.000 tỉ đồng); Mcredit (vốn điều lệ tăng từ 800 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng); EVN Finance (vốn điều lệ thêm gần 400 tỉ đồng); Công ty Tài chính Lotte Việt Nam (vốn điều lệ tăng lên 991 tỉ đồng)… Điều này đã giúp các công ty tài chính cải thiện cấu trúc vốn khi hệ số D/E (tỷ lệ nợ vay/vốn cổ phần) giảm đáng kể đồng thời hệ số an toàn vốn tăng mạnh trong 2021.

Tại FE CREDIT - công ty chiếm thị phần lớn trong ngành tài chính tiêu dùng, đã ghi nhận hệ số D/E thời điểm 30.6.2021 ở mức 3,3 (D/E bình quân ngành là 4,3) trong khi 2020 chỉ tiêu này đạt 3,7. Hệ số an toàn vốn cũng tăng đáng kể từ 19% trong 2020 lên 21.6% trong 9 tháng 2021 và dẫn đầu ngành.

Đại diện công ty FE CREDIT cho biết, thời gian vừa qua công ty được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 11.000 tỉ đồng, giúp hệ số an toàn vốn của công ty ở mức cao hơn 20%. Đây có thể coi là một bộ đệm để giúp các đối tác yên tâm về FE CREDIT trong việc đảm bảo vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Cùng với đó, ngày 28.10.2021, thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho SMBC đã chính thức hoàn tất. Nhờ vậy, nguồn vốn mà ngân hàng mẹ thu về sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động kinh doanh để gia tăng quy mô.

Bàn thêm về thương vụ này, chúng ta có thể thấy ngoài việc ngân hàng mẹ là VPBank có thêm nguồn vốn khổng lồ để gia tăng quy mô, mở rộng hoạt động kinh doanh thì chính FE CREDIT cũng có cơ hội huy động mới, hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại của mình để có được nguồn vốn rẻ từ đối tác Nhật từ đó giúp cải thiện chi phí huy động vốn, biên lãi ròng (NIM), lợi nhuận.

Bên cạnh các khoản rót vốn từ các cổ đông chiến lược, một số công ty tài chính đang tìm cách thu hút thêm vốn thông qua niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi mới đây, gần 68,8 triệu cổ phiếu TIN của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng vừa chấp thuận niêm yết 304,71 triệu cổ phiếu của EVN Finance (mã EVF), có giá trị tương đương 3.047 tỉ đồng. Hiện tại, cổ phiếu EVF đang giao dịch trên sàn UPCoM kể từ hồi tháng 8.2018.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng vốn là điều kiện cấp thiết đối với công ty tài chính nói riêng và ngành ngành tài chính ngân hàng nói chung nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, tài chính, cải thiện chất lượng tài sản và tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.

Bước sang 2022, báo cáo phân tích của chứng khoán MB (MBS) cho rằng hoạt động tăng vốn điều lệ cũng như cải thiện hệ số CAR của ngành tài chính ngân hàng trong thời gian qua, cùng với sự “bình thường mới” của các tỉnh thành và gói hỗ trợ kinh tế lên tới 800.000 nghìn tỷ đồng được dự kiến triển khai sẽ giúp nhu cầu sản xuất kinh doanh dần phục hồi và mở rộng, tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Còn theo quan điểm của TS.Võ Trí Thành, lộ trình tái cấu trúc vẫn tiếp tục diễn ra theo yêu cầu bắt buộc của NHNN nên áp lực tăng vốn của ngành tài chính ngân hàng sẽ không giảm trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng trong năm sau còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tác động từ các chương trình hỗ trợ kinh tế với thị trường vốn và các doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.