'Ung thư không có nghĩa là chết chóc'

01/02/2024 21:34 GMT+7

"Không may mắc ung thư, cứ coi như chúng ta là học sinh giỏi và cuộc đời giao cho chúng ta bài toán khó. Chúng ta sẽ tìm cách giải bài toán đó, vượt qua thử thách", chị Lê Thị Phượng Nhi (ở Hà Nội) chia sẻ khi nói về quãng thời gian điều trị ung thư máu của mình.

Vượt qua cú sốc tinh thần

"Câu chuyện mùa xuân" lần thứ 4 - buổi gặp gỡ, chia sẻ của những người bệnh ung thư máu về hành trình vượt qua bệnh hiểm nghèo đã được Viện Huyết học - truyền máu T.Ư (Hà Nội) tổ chức chiều nay, 1.2. 150 người bệnh ung thư và các bác sĩ đã tham dự buổi gặp.

Chia sẻ với người bệnh ung thư máu, TS, bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, bày tỏ: "Ung thư là chủ đề về sức khỏe được cộng đồng bàn luận rất nhiều. Ung thư thường gây ra sự sợ hãi, đau buồn, kiệt quệ sức lực và sự lo sợ về cái chết. Nhưng ngày nay, thế giới và Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả".

'Ung thư không có nghĩa là chết chóc'- Ảnh 1.

Các bác sĩ và người bệnh cùng lan tỏa năng lượng tích cực: ung thư không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới

CÔNG THẮNG

Bởi vậy, không nên coi ung thư là "căn bệnh chết chóc" nữa, mà chỉ là căn bệnh nan y cần chữa trị trong một thời gian dài.

"Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khỏe ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý, hiểu căn bệnh và cơ thể, tâm lý của mình. Điều này sẽ góp phần quyết định thành công trong quá trình điều trị", bác sĩ Bình chân thành nói.

Từng là bệnh nhân, hiểu được những lo lắng khi một người có kết quả chẩn đoán mắc ung thư, Tiến Mạnh (21 tuổi) sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết: "Em từng suy sụp khi biết mình mắc ung thư máu 7 năm trước, khi học lớp 9. Nhưng khi biết được chuyện của cô Hoàng Diệu Thuần, người từng mắc ung thư và khỏi bệnh nhờ ghép tế bào gốc, em đã vượt qua cú sốc tinh thần và cố gắng điều trị".

"Có rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị nhưng rồi sẽ qua, nỗ lực chắc chắn sẽ được đền đáp", Tiến Mạnh đã gửi lời động viên đến người bệnh ung thư.

Tiến Mạnh hiện đã có sức khỏe ổn định và là tình nguyện viện của mạng lưới Vì trẻ em ung thư, là tình nguyện viên của lớp học cho bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, nơi em trò chuyện, đọc sách và hướng dẫn các em nhỏ vẽ tranh.

Không ngại thử thách

"Từ lúc biết tin mình bị ung thư máu, tôi đã rất sốc và cảm giác như bị rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Tôi đã khóc, khóc và khóc nhiều. Thế mà đã gần 3 năm kể từ ngày đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn", chị Lê Thị Phượng Nhi (42 tuổi, ở Hà Nội) kể lại ngày đầu đã rất lo lắng khi biết mình mắc ung thư máu.

"Mỗi khi tôi khóc, các bệnh nhân xung quanh và chị điều dưỡng liền động viên. Đó là những ấm áp đầu tiên mà tôi cảm nhận được và tôi dần vững vàng. Hy vọng, lạc quan, vững niềm tin là liều thuốc tốt nhất với những người bệnh như tôi. Tôi không còn đau buồn, lo lắng và tuyệt vọng nữa. Tôi học cách chấp nhận và sống hết mình với hiện tại. Tôi biết yêu thương chính mình và biết trân trọng mọi thứ xung quanh. Tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vì đã nhận được quá nhiều sự quan tâm và yêu mến của mọi người", chị Nhi bày tỏ.

Chia sẻ về "câu chuyện mùa xuân" của mình, chị Nhi lan tỏa tinh thần lạc quan: "Nếu không may mắc ung thư, cứ coi như chúng ta là học sinh giỏi, cuộc đời giao cho chúng ta bài toán khó, và chúng ta sẽ tìm cách giải bài toán đó, chính là cách vượt qua thử thách, vượt qua bệnh tật".

Về những thành quả y học trong điều trị ung thư, trong đó có ung thư máu, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, thông tin: hiện có nhiều biện pháp điều trị bệnh máu ác tính như hóa trị, điều trị miễn dịch, điều trị nhắm đích, cấy ghép tế bào gốc, nghiên cứu gen và tế bào.

Để bắt đầu điều trị, cần phải xác định loại ung thư máu, phân nhóm nguy cơ. Điều này thường yêu cầu các xét nghiệm huyết học, miễn dịch, di truyền và cả chẩn đoán hình ảnh. Chẩn đoán đúng (thể loại bệnh, loại tế bào...), để có phác đồ đúng, đủ ngay từ đầu.

Cùng với thuốc, hóa chất, người bệnh ung thư cần được hỗ trợ tâm lý và xã hội để vượt qua thách thức tinh thần.

Chúng tôi muốn gửi đến những người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng một thông điệp mang năng lượng tích cực: "Ung thư không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới, với những trải nghiệm mới. Dù có nỗi buồn khổ, có sự mệt mỏi, nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình gửi trao tới mỗi người bệnh như quý vị đang mang tới đây. Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này".

TS, bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó viện trưởng, Viện Huyết học - truyền máu T.Ư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.