'Ứng tuyển trả thù' là gì mà bị cảnh báo là lợi bất cập hại?

11/04/2023 14:45 GMT+7

"Ứng tuyển trả thù" là khái niệm chỉ về những người trẻ nộp đơn ứng tuyển đến hàng loạt công ty mới trong thời điểm họ đang bất mãn với công ty cũ. Tuy nhiên, xu hướng này bị đánh giá là lợi bất cấp hại.

'Ứng tuyển trả thù' là gì mà bị cảnh báo là lợi bất cập hại? - Ảnh 1.

Vì mâu thuẫn với công ty cũ, với đồng nghiệp cũ, nhiều người quyết định nghỉ việc

SHUTTERSTOCK

"Ứng tuyển trả thù"

Thời gian qua, có nhiều trào lưu liên quan đến công việc đã trở nên quen thuộc với người trẻ. Có thể kể như "ngày thứ 2 tối thiểu" (những ta thán áp lực công việc của ngày đầu tiên trong tuần mới, mong muốn được làm ít việc vào ngày đầu tuần để tạo năng lượng tích cực cho chuỗi ngày tiếp theo - PV), "nghỉ việc trong yên lặng" (vì mất động lực làm việc nên chán nản, chỉ làm những nhiệm vụ tối thiểu, đồng thời không để cho người sử dụng lao động biết có thể sẽ nghỉ việc - PV)... và mới nhất là trào lưu "ứng tuyển trả thù".

Theo chị Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, "ứng tuyển trả thù" hay những trào lưu liên quan công việc trước đây đều bắt nguồn từ TikTok. Những TikToker ở nước ngoài đã "châm ngòi" cho những trào lưu này và được người trẻ Việt Nam hưởng ứng.

"Ứng tuyển trả thù có thể nói một cách dễ hiểu là khi người trẻ cảm thấy xung đột, hiềm khích với công ty hiện tại, họ sẽ nộp đơn xin việc đến vô số công ty khác cho... bỏ tức", chị Xuân giải thích.

'Ứng tuyển trả thù' là gì mà bị cảnh báo là lợi bất cập hại? - Ảnh 2.

Không ít người trẻ nộp đơn ứng tuyển đến hàng loạt công ty mới trong thời điểm họ đang bất mãn với công ty cũ

SHUTTERSTOCK

Chị Xuân kể thêm, ở công ty của chị, có vài nhân viên hiện có động thái hưởng ứng trào lưu này. Chỉ vì "bằng mặt không bằng lòng", có mâu thuẫn và cảm thấy bất mãn với lãnh đạo công ty, nên họ đã ứng tuyển vào nhiều công ty khác, trong đó có cả những công ty đối thủ.

Anh Lê Hữu Nhật Đăng (34 tuổi), Trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, cũng nói: "Đúng là hiện nay có xu hướng "ứng tuyển trả thù". Đây là một biến thể của nhảy việc. Tuy nhiên, nếu nhảy việc thì thường các ứng viên chỉ gởi 2, 3 hồ sơ đến 2, 3 doanh nghiệp. Còn đối với "ứng tuyển trả thù", họ sẽ nộp đơn xin việc cùng lúc đến cả chục nơi".

Cũng theo anh Đăng: "Có nhiều lý do dẫn đến những mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chẳng hạn như không hài lòng về mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ, không phù hợp với văn hóa nội bộ công ty... Và trong lúc không kiểm soát được cảm xúc, họ chán nản và lập tức quyết định nghỉ việc để ứng tuyển ở hàng loạt công ty khác".

'Ứng tuyển trả thù' là gì mà bị cảnh báo là lợi bất cập hại? - Ảnh 3.

"Ứng tuyển trả thù" là lợi bất cập hại

SHUTTERSTOCK

Lợi bất cập hại

Dưới góc độ một nhà tuyển dụng, anh Đăng cho rằng trào lưu "ứng tuyển trả thù" lợi bất cập hại.

Anh Đăng phân tích: "Lợi ở đây là khi tìm công ty mới có thể nhận được những chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn, có không gian làm việc tốt hơn, cũng có thể giúp cho bước đường sự nghiệp thăng tiến... Nhưng tất cả chỉ là "có thể" chứ không chắc chắn. Vì khi rời bỏ công ty cũ bởi cảm thấy rằng môi trường làm việc không phù hợp, có người sếp hà khắc, có những đồng nghiệp toxic (độc hại - PV)... nhưng có thể "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", tức là sẽ gặp tình cảnh ở công ty mới y chang công ty cũ, cũng phải quay cuồng với vòng xoáy áp lực công việc, đối diện với những đồng nghiệp khó chịu, hay bị quản lý phê bình...".

Chị Xuân thì cho rằng một trong những yếu tố tạo nên thành công của người trẻ trong công việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung, đó là sự kiểm soát cơn nóng giận.

"Chẳng ai đánh giá cao một người bốc đồng, nóng nảy. Nếu một người trẻ chỉ vì một phút thiếu kiểm soát đã vội vàng từ bỏ công ty để đi tìm những công việc mới thì rất khó thành công trong sự nghiệp. Chính vì thế, theo tôi, không nên "ứng tuyển trả thù". Nếu có khúc mắc với sếp, với công ty, với quản lý... cần ngồi lại để thảo luận, trò chuyện và cùng nhau tháo gỡ, thay vì "đùng đùng nổi giận" rồi xin nghỉ việc", chị Xuân nói.

'Ứng tuyển trả thù' là gì mà bị cảnh báo là lợi bất cập hại? - Ảnh 4.

Thay vì "ứng tuyển trả thù", hãy tự mình rèn luyện những kỹ năng cho công việc

SHUTTERSTOCK

Chị Nguyễn Vũ Quỳnh Như (32 tuổi), phụ trách nhân sự của công ty chuyên lĩnh vực agency ở số 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, cũng không đánh giá cao những ứng viên đã từng "ứng tuyển trả thù".

Chị Như cho biết: "Một người từng vì bất mãn với công ty cũ rồi "nhảy việc" tìm đến những công ty khác, thì không ai chắc chắn liệu người đó có tỏ thái độ bất mãn với những công ty sau đó hay không. Vì thế, nếu tôi phỏng vấn ứng viên, mà họ cho rằng "vì em không thích/chán/ghét... công ty cũ nên xin nghỉ việc" thì tôi sẽ không nhận".

Ngoài ra, theo chị Như, một người có tâm lý "ứng tuyển trả thù" thì rất khó tìm được một môi trường làm việc ưng ý, thỏa mãn đủ đầy nhu cầu, nguyện vọng của họ.

"Theo tôi, ứng tuyển trả thù là trào lưu không có gì hay ho hay thú vị mà người trẻ phải bắt chước làm theo. Thay vì bốc đồng và ứng tuyển trả thù một cách cuồng điên, tại sao không tự rèn luyện những kỹ năng cho công việc như: kiểm soát cảm xúc, thích ứng trong môi trường mới, làm việc dưới áp lực, lắng nghe sâu và học hỏi từ những lời phê bình, xử lý tình huống và giải quyết vấn đề...", chị Như chia sẻ thêm.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.