Ứng xử khi giáo viên cư xử chưa chuẩn mực

15/03/2014 03:00 GMT+7

Nhiều học sinh không biết ứng xử sao cho hợp lý khi rơi vào tình huống này.

>> Bức xúc với clip thầy giáo tát bôm bốp vào mặt học trò

Trong mọi tình huống học sinh phải mềm mỏng và hết sức bình tĩnh chứ không được phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức quan hệ thầy trò - Ảnh: Cắt từ clip trên youtube

Trong mọi tình huống học sinh phải mềm mỏng và hết sức bình tĩnh chứ không được phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức quan hệ thầy trò - Ảnh: Cắt từ clip trên youtube 2

Trong mọi tình huống học sinh phải mềm mỏng và hết sức bình tĩnh chứ không được phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức quan hệ thầy trò - Ảnh: Cắt từ clip trên youtube 3

Trong mọi tình huống học sinh phải mềm mỏng và hết sức bình tĩnh chứ không được phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức quan hệ thầy trò - Ảnh: Cắt từ clip trên youtube 

Nhiều hình thức xúc phạm

Qua khảo sát ở hơn 150 học sinh (HS) của các trường THPT tại TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu; nhiều HS cho rằng hiện trạng giáo viên (GV) xúc phạm HS xảy ra không hiếm, thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đồng thời thừa nhận bản thân đã từng chứng kiến trực tiếp, và cả những trường hợp cho biết đã từng là người trong cuộc.

Theo họ, việc bị GV xúc phạm có nhiều dạng. "Ngoại hình của mình không được như bạn bè trong lớp. Vậy là trong giờ học, có thầy cứ bông đùa, thay vì gọi tên lại bị thay thế bằng các cụm từ: "nhỏ nấm lùn di động", "bé lùn"... trong sự bẽ mặt, muốn độn thổ của mình", K.H, nữ HS lớp 11 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2), tâm sự.

Hay như V.T, nam HS Trường THPT Hùng Vương (Q.5), cho biết trong nhiều giờ học, GV tuy không nói ra trực tiếp nhưng luôn sử dụng những câu nói có hàm ý, thể hiện một cách bóng bẩy với dụng ý chửi HS. "Đó cũng là một cách xúc phạm", V.T, nói.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Trung tâm đào tạo và tư vấn tâm lý Ý tưởng Việt, kể lại trong quá trình tham gia hoạt động tham vấn học đường tại các trường THPT, ông đã nghe phản ánh của rất đông HS về câu chuyện này. "Nào là bị GV mắng té tát trong giờ học. Rồi có HS kể bị GV chê là "đứa não ngắn", "đã dốt còn hay cãi", "đã không biết mà còn hay phát biểu". Có cả trường hợp HS uất ức vì bị GV tát, đánh trước mặt bạn bè...", ông An kể.

Ngoài hình thức xúc phạm bằng ngôn ngữ, dùng hành động tay chân, thì theo ông An, một dạng xúc phạm khác là GV trù dập, "đì" HS bằng cách tạo nên những áp lực không đáng có, luôn trừ điểm vô lý...

Cũng trong khảo sát, khi được hỏi nếu rơi vào trường hợp này phải làm thế nào? Hầu hết HS đều trả lời: "Khó quá" hoặc "Không biết". Thành Nhân, HS Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7), nói: "Có lẽ không chỉ riêng mình, mà với nhiều bạn cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, nếu phản kháng lại là điều không nên. Nhưng khi lòng tự trọng bị xâm phạm lẽ nào vẫn phải chấp nhận một cách oan ức?".

Một HS Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8) cho biết cách ứng xử mà bản thân thường áp dụng là... lên Facebook kể lại cho hả dạ.

Hãy ứng xử văn minh

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng thừa nhận những câu chuyện đáng buồn này là có thật. Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP.HCM, cho biết trong nhiều trường hợp, GV ứng xử không chuẩn mực, không khôn khéo, dẫn đến việc xúc phạm HS.

Cũng theo ông Quân, những câu chuyện, đoạn phim, hình ảnh trên các mạng xã hội phản ánh vấn đề này một cách vô cùng bạo lực, phản cảm, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét nhất.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc bị xúc phạm trước mặt tập thể không chỉ khiến HS có thái độ thù địch với môn học, với GV mà còn cảm thấy cái tôi, lòng tự trọng và nhân phẩm bị xúc phạm, tổn thương nặng nề.

Theo ông An, một cuộc xung đột, cãi vã sẽ không có hồi kết nếu như không có cách ứng xử văn minh, khéo léo. Giải đáp băn khoăn của HS, ông An cho rằng bất kể sự việc như thế nào, bị GV xúc phạm ra sao, cũng đừng phản ứng mạnh mẽ, chửi lại, đánh lại thầy cô vì đó là cách ứng xử sai. Thay vào đó phải nhẹ nhàng tìm hiểu rõ nguyên nhân. Sau đó cách tốt nhất là thông báo để nhờ sự trợ giúp của GV chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường, hoặc tâm sự nhờ sự can thiệp của phụ huynh.

Ông Quân thì khuyên HS: "Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thế nên trong mọi tình huống phải mềm mỏng và hết sức bình tĩnh chứ không được phản ứng tiêu cực, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức quan hệ thầy trò như thách thức, gây hấn... Nên chăng, hãy lựa một thời điểm GV bớt nóng, tìm gặp để giãi bày tâm sự".

Theo ông Hiếu, mọi trường học đều thực hiện cuộc vận động kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Thế nên trong trường hợp HS bị GV xúc phạm, Ban giám hiệu nhà trường phải có trách nhiệm xử lý.

"HS cần được học những kỹ năng ứng xử văn minh, để giải quyết mọi sự việc một cách nhẹ nhàng. Khi đó không còn cảnh HS phản ứng bộc phát với những tức giận, căm ghét GV và phản ứng mạnh mẽ để tự vệ. Và sẽ không còn những câu chuyện đau lòng: thầy trò "hỗn chiến" trên bục giảng; học trò chặn đường đánh thầy; nhờ người khác đánh thầy...", ông Hiếu nói.

 Trần Ngọc Toàn

"Mong có những khóa học kỹ năng ứng xử hợp lý trong tình huống này dành cho HS".

Trần Ngọc Toàn
(lớp 12A5, Trường THPT Phan Đăng Lưu TP.HCM).

 
"Nếu bị GV xúc phạm trên lớp, chắc chắn là không đồng tình với thầy cô nhưng vào lúc đó mình sẽ kiềm chế. Sau đó, mình sẽ gặp riêng thầy cô để nói chuyện, giãi bày suy nghĩ của mình để thầy cô hiểu".

Trương Duy Lê Na
(lớp 10D, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu).

 Trương Duy Lê Na
Tường Vy  "Khi gặp sự việc này HS phải trình bày, giải thích ý kiến đúng của mình, hoặc xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa nếu chúng ta có lỗi với thầy cô cho phải phép, không được manh động vì là HS thì không được vô phép với thầy cô, nhưng có quyền trình bày, kiến nghị cái sai của thầy cô".

Tường Vy
(lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền,  Đồng Nai)

Trâm Anh
(ghi)

Nhật Hạ - Trâm Anh

>> Đình chỉ giáo viên đánh học sinh nhập viện
>> Đình chỉ công tác giám thị đánh học sinh rách mi mắt
>> Kỷ luật cảnh cáo thầy giáo tát học sinh chấn thương, thủng màng nhĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.