Ứng xử thế nào khi bị đòi ‘hậu tạ’ lúc được trả lại của rơi?

23/09/2022 10:44 GMT+7

‘Nhặt lại của rơi, trả người bị mất’ là nghĩa cử cao đẹp trong đời sống xã hội nhưng việc ‘đòi’ hậu tạ lại khiến cho giá trị đó bị mất đi. Vậy người trẻ cần làm gì để ứng xử hợp tình, hợp lý khi gặp phải trường hợp khó xử này?

Lăn tăn chuyện hậu tạ

Từ vụ việc một nữ sinh không may làm rơi ví và được một người đàn ông liên hệ với điều kiện phải “hậu tạ” thì mới trả lại tài sản cùng giấy tờ tùy thân đã gây ra những tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội. Từ đó, các bạn trẻ chia sẻ câu chuyện của mình xung quanh việc “hậu tạ”.

Vụ việc đòi "hậu tạ" mới trả lại của rơi gây nhiều ý kiến trái chiều vừa qua

Ảnh cắt từ clip

Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Nguyễn Thanh Hoàng (23 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Tôi từng đi chơi cùng hội bạn thân, lúc đi vệ sinh thì bị rơi ví. Hôm sau, có người nhặt được ví, bảo tôi đến nhận lại. Đến điểm hẹn, người này cho rằng lúc nhặt được ví thì chỉ còn lại giấy tờ và nói thẳng với tôi là muốn nhận lại giấy tờ thì mỗi một loại giấy tờ phải 'hậu tạ' 500.000 đồng”.

“Tôi thật sự rất bất ngờ trước yêu cầu đó, tôi và các bạn phải giải thích và làm căng lắm thì người đó mới chịu thỏa thuận chỉ với mức 'hậu tạ' 500.000 đồng cho tất cả”, Hoàng nói.

Trong khi đó, Lưu Yến (27 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) may mắn được hoàn trả của rơi mà không phải đối mặt yêu sách hậu tạ. “Hôm ấy, tôi đi ăn với bạn thì làm rơi ví có gần 3 triệu đồng tiền mặt trong đó. Một cô bán trái cây nhặt được và liên hệ để trả lại cho tôi. Tôi gửi cô chút quà cảm ơn nhưng cô bảo không nhận. Khi tôi nhiều lần nói 'cô nhận cho cháu vui, cháu biết ơn cô lắm' thì cô mới đồng ý”, Yến kể lại.

Không nên cổ xúy cho hành vi đòi “hậu tạ”

Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng việc hậu tạ là cần thiết để bày tỏ lòng thành của người đánh rơi tài sản và nên xuất phát từ tấm lòng của người hậu tạ.

Hãy để giá trị của hậu tạ được thể hiện đúng ý nghĩa của nó

Trung Việt

Đồng quan điểm này, Bùi Khánh Vân (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng nên xác định đúng giá trị của việc hậu tạ. “Vẫn có những người sẵn sàng đưa một khoản gọi là hậu tạ khi nhận lại tài sản. Tuy nhiên, việc hậu tạ phải đến từ phía người bị mất, còn nếu xuất phát từ yêu cầu của người nhặt thì không còn gọi là hậu tạ, mà là ngã giá”, Khánh Vân cho hay.

Nói về trách nhiệm trong việc hậu tạ, luật sư Trương Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Bình Dương (BIAC), cho biết: “Pháp luật không quy định phải hậu tạ bằng vật chất. Mỗi người chúng ta có mỗi điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, thái độ ứng xử vào từng trường hợp khác nhau. Do vậy, trong hoàn cảnh đó sẽ có người gửi lời cảm ơn đến người nhặt được, có người hậu tạ bằng vật chất”.

Luật sư Hưng cho biết thêm, theo quy định tại Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 thì trả lại tài sản không may rơi mất, để quên là trách nhiệm của người nhặt được. “Do đó, việc chiếm giữ tài sản nhằm để đòi tiền “hậu tạ” mà thực chất là đòi tiền chuộc sẽ xem là “hành vi cưỡng đoạt tài sản”. Trường hợp chiếm giữ tài sản dưới 10 triệu đồng, theo Điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144, có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng và bị buộc trả lại tài sản chiếm giữ. Nếu chiếm đoạt giấy tờ tùy thân của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, mức xử phạt sẽ nặng hơn nếu hành vi nhất quyết không trả lại tài sản hoặc buộc phải “hậu tạ” kèm theo các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng thông tin bí mật đời tư của người mất.

Luật sư Hưng lưu ý: “Trong nhiều trường hợp, người bị mất tài sản cần tỉnh táo và cảnh giác trong việc xác định phương án giải quyết trước yêu cầu đòi 'hậu tạ'. Đối với tài sản có giá trị lớn hoặc kèm theo nhiều giấy tờ tùy thân, người bị mất tài sản nên tìm đến cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết, không nên 'hậu tạ' cho xong vì sẽ vô tình cổ xúy cho những hành vi trái pháp luật hoặc hành vi phạm tội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.