Ứng xử thế nào khi trò bảo thầy là 'đồ mất dạy' ?

22/04/2019 10:01 GMT+7

Đó là một tình huống sư phạm mà TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐHSP TP.HCM, nêu ra trong buổi tập huấn cho giáo viên (GV) phổ thông với chuyên đề 'Giao tiếp ứng xử sư phạm' diễn ra trong tuần qua.

Tình huống cụ thể như sau: Đang giảng bài, một GV tiểu học thấy quả bóng từ dưới lớp lăn lên bục giảng. Thầy hỏi của ai, một học sinh (HS) lên xin thầy cho nhận lại. Sau một lúc, quả bóng lại lăn lên. Lần này thì thầy quyết định thu bóng. Khi vừa nhặt bóng lên cũng vừa lúc nam sinh ấy vừa xin vừa giành lấy bóng từ tay thầy. Nhưng thầy kiên quyết không cho. Không giành được bóng, cậu học trò lớp 4 thốt một câu vừa đủ nghe như là thói quen: “Đồ mất dạy!”. TS Hồng hỏi, trước tình huống này thầy cô sẽ xử sự ra sao? Nhiều phương pháp được GV nghĩ đến.
Nhưng đây là cách thầy giáo tiểu học ứng xử: Thầy không nói gì, vẫn tiếp tục giảng bài. Cuối giờ, thầy mời em HS ấy lên và chất vấn. Lúc đầu HS ấy chối tội. Thầy bảo, thầy định đưa em vào đội tuyển bóng đá của trường nhưng vì em không ngoan nên thầy thôi ý định. Như đánh trúng vào “tim đen” là sở thích bóng đá, cậu HS đã ăn năn nhận lỗi, hứa sẽ không bao giờ tái phạm và tha thiết mong thầy được cho vào đội bóng. Thầy đồng ý nhưng để “án treo” một thời gian. Vì sao GV ấy không phản ứng ngay sau câu nói của trò, TS Hồng nói: “Vì giận quá sẽ mất khôn. Vả lại, để cuối giờ xử là để GV có thời gian nghĩ ra giải pháp tích cực. GV cũng đã hiểu quá rõ thói quen nói năng của em HS này bị ảnh hưởng từ gia đình, nên giải pháp mời phụ huynh trao đổi đã loại khỏi suy nghĩ...”.
Từ nhiều tình huống như trên, TS Bích Hồng cho rằng, trong nguyên tắc ứng xử, tính mô phạm giao tiếp có văn hóa và nghệ thuật của GV là nghiêm khắc, thuyết phục và nên biết “mỉm cười bày tỏ sự khoan dung với HS phạm lỗi”. Nếu GV nóng giận, vội vàng xử lý sai, có nghĩa là đổ cái sai từ HS sang cái sai cho mình.
Nguyên tắc “vàng” mà TS Hồng khuyên là: “Nếu bạn đúng, bạn không cần nổi giận. Nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi giận”. Cho nên trong giao tiếp ứng xử sư phạm, đằng nào thì người thầy cũng không thể có sự giận dữ được. TS Bích Hồng cũng khuyên rằng: “Một trong những lời nói thông minh là cảm ơn và xin lỗi”. Nếu bạn là một GV, trước hết hãy tập quen với những lời này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.