Ấm lòng
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập, Bác Hồ đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia, giữ chức vụ phó chủ tịch nước. Ông được phân công chỉ đạo cuộc kháng chiến ở khu vực Nam Trung Bộ. Ông qua đời năm 1947 tại Quảng Ngãi. Nhân dân Quảng Ngãi yêu kính ông, an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn.
Trải qua bao lần trùng tu, khu lăng mộ Huỳnh Thúc Kháng trở thành một di tích lịch sử hoành tráng, tươi đẹp trên đỉnh Thiên Ấn. Ai lên thăm Thiên Ấn cũng đến thắp hương tưởng nhớ cụ.
Điều bất ngờ nhất là có một người nông dân Quảng Ngãi tình nguyện canh giữ phần mộ, chăm lo hương khói cho Huỳnh Thúc Kháng. Tên của ông là Nguyễn Tạo, sinh năm 1935. Hằng ngày, ông Tạo đi bộ từ nhà dưới chân núi lên đỉnh Thiên Ấn quét tước phần mộ, thắp hương giúp du khách và thuyết minh ngắn gọn cho họ nghe về cuộc đời và sự nghiệp tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Bốn mùa mưa nắng gió bão, ông Tạo tự nấu ăn ngay tại đó, chăm chỉ làm công việc tình nguyện không một ngày ngơi nghỉ. Ông kính yêu cụ Huỳnh với cả tấm lòng đôn hậu của người Quảng Ngãi.
Với chí sĩ Phan Châu Trinh - người đi đầu trong phong trào Duy Tân, được dân ta kính trọng như là nhà cách mạng, nhà văn, nhà hùng biện yêu nước có chân tài thực học. Ông qua đời trong sự tiếc thương của đồng bào cả nước. Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh được xây dựng trên một con đường đẹp thuộc Q.Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM quanh năm ấm áp khói hương.
|
Và chạnh lòng...
Tôi cũng đã về thăm nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại Tiên Cảnh (Quảng Nam). Nhà lưu niệm cụ Huỳnh vẫn là ngôi nhà cũ, nơi ông sinh ra và trưởng thành. Nó chỉ còn lơ thơ mấy số báo Tiếng Dân và một vài hình ảnh, bút tích sơ sài. Chăm sóc nhà lưu niệm và tiếp khách đến tham quan là một người bà con trong họ, gọi cụ Huỳnh bằng ông. Một khu lưu niệm như vậy liệu đã xứng đáng nói lên tấm lòng của người hậu thế đối với một phó chủ tịch nước, một nhà báo lỗi lạc, một nhà cách mạng như cụ Huỳnh Thúc Kháng?
Tôi lại về thăm khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở xã Tam Lộc (Phú Ninh, Quảng Nam). Nhà lưu niệm được xây dựng lại khá khang trang, nằm cách mặt đường bê tông liên xã chừng ba chục mét. Chăm sóc hương khói và tiếp khách tham quan ở đây cũng là một người gọi cụ Phan bằng ông. Điều đáng ngạc nhiên là Phan Châu Trinh từng đấu tranh đòi tự do, dân quyền, dân chủ, dân sinh cho đồng bào toàn quốc nhưng bao bọc khu lưu niệm lại là… hàng rào dây kẽm gai.
Con đường bê tông ở đây lại càng đáng buồn hơn. Nó được đúc tới khu lưu niệm Phan Châu Trinh thì… dừng; phần đường còn lại cho nhân dân đi tiếp hết địa phận Tam Lộc vẫn là đường đất. Tấm lòng Phan Châu Trinh ngày xưa là mong cho mọi người được no cơm ấm áo, sống bình đẳng với nhau. Ta dừng con đường bê tông đột ngột ở đó, liệu có làm cho nhân dân Tam Lộc tủi thân?
Có lẽ hai chữ “truyền thống” bị người đời nay hiểu chưa chuẩn xác. Ở cấp phường, cấp xã đã có những nhà truyền thống to đùng mọc lên. Cơ bản, những nhà truyền thống ấy chưa có hiện vật lịch sử gì đáng quan tâm ngoài hình ảnh và bút tích của các liệt sĩ thời kháng chiến chống thực dân đế quốc. Và cũng có lẽ ta nên quan tâm đến khía cạnh ứng xử văn hóa với người xưa. Khu lưu niệm của hai nhà yêu nước, nhà văn hóa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh tại Quảng Nam xứng đáng lớn hơn những nhà truyền thống cấp phường cấp xã ấy nhiều. Sao lại nỡ để hai nơi ấy đìu hiu lắm vậy?
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)