Thầy, trò đều gian truân tìm chữ
Ở nơi mà có khi phải lặn lội 7-10 km, người ta mới bắt gặp một bản làng, thì con đường đến trường với các em học sinh nơi đây cũng vì thế mà vô vàn gian nan.
Chúng tôi đến thăm ngôi trường tiểu học xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai) chưa phải là vào mùa mưa lũ nhưng cũng phải rất vất vả mới tìm đến được bởi tất cả các điểm trường đều bị chia cắt bởi rất nhiều sông suối. Những ngày nắng, lòng suối cạn, chỏng trơ sỏi đá. Những ngày mưa lũ, con suối lại ồ ạt tràn bờ như muốn cuốn phăng tất cả theo dòng nước dữ và thử thách ý chí đến trường của trẻ nhỏ. “Việc đi lại giảng dạy học tập của giáo viên và học sinh đặc biệt là trong mùa mưa lũ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác duy trì sĩ số và chất lượng dạy học. Chúng tôi cũng đã tìm nhiều cách để động viên các em không bỏ lớp. Có giáo viên còn mua dép tặng cho tất cả học sinh trong lớp để các em đi lại đỡ vất vả...”, thầy Chu Sỹ Lin, Hiệu trưởng của trường chia sẻ.
Gian khó là vậy, hiểm nguy là vậy nhưng xã nghèo Ia Rsai với hơn 96% là người dân tộc Jrai không thiếu những gương sáng vượt khó học giỏi. Đến thăm các điểm trường của trường Tiểu học xã Ia Rsai, nhiều lần chúng tôi bắt gặp hình ảnh không ít các em học sinh trong giờ ra chơi vẫn chăm chỉ nán lại đọc sách, xem bài. Những lo lắng mưu sinh và những gian nan trên con đường đến trường vẫn không ngăn được sự hiếu học và cả những ước mơ rất thực tế của các em. “Lớn lên em thích làm nghề gì đấy để có thể biết xây đường sá này, xây cầu này, nhất là xây được nhiều cây cầu bắc qua các con suối để đường đến trường dễ dàng hơn” - Kpă Sưa, cậu trò nhỏ lớp 3A hồn nhiên thổ lộ cùng chúng tôi...
Vững chãi niềm tin
Thầy Lin cho chúng tôi biết trường có 88,1% học sinh là con em đồng bào Jrai. Do địa bàn rộng lớn và bị chia cắt, trường được phân thành 7 điểm trường để học sinh dễ đi lại hơn. Mỗi điểm trường có từ 1 đến 2 phòng học, phục vụ tối thiểu cho 2 ca học/ngày; có nơi, điểm trường lẻ cách xa trường chính đến 12 km. Hiện trường học đã bị tốc mái, nên các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 phải chen chúc học tạm trong căn phòng được ghép bằng những tấm ván mục, bàn ghế cũ kỹ... Cũng chính vì vậy mà công tác quản lý, dự giờ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên hầu như không có.
Những suất học bổng (1 triệu đồng/suất) mà chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm trao tặng Ruân, Sưa và nhiều học sinh khác gửi gắm trong đó niềm tin và hy vọng: Với tinh thần vượt khó của mình, các em sẽ đi được xa hơn trên con đường học tập. “Trường lớp còn tạm bợ cùng cuộc sống khó khăn khiến không ít học trò phải bỏ học. Nhưng bù lại, có những học trò mê học, mê chữ đến lạ. Nếu có nhiều hơn nữa những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng, tôi tin rằng con đường đến trường của các em sẽ rất tươi sáng”, ánh mắt thầy hiệu trưởng ánh lên niềm hy vọng.
Ghé thăm điểm trường Tiểu học xã Ia Rsai (Gia Lai) trong loạt chương trình truyền hình thực tế Đèn Đom Đóm 2010 vào lúc 19 giờ 50 thứ ba, ngày 13.4 trên VTV2 và phát lại lúc 8 giờ chủ nhật ngày 18.4 trên VTV3. |
Đăng Trình
Bình luận (0)