Viết tiếp ước mơ hồng
Mồ côi bố từ nhỏ, cả gia đình 8 chị em hoàn toàn trông chờ vào đôi vai gầy guộc của mẹ, nhưng Cao Thị Lệ Hằng (người đồng bào Rục, thuộc dân tộc Chứt ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vẫn vượt mọi khó khăn, trở thành nữ sinh dân tộc Rục đầu tiên trúng tuyển đại học của cả nước.
Nữ sinh tâm sự, từ nhỏ, ước mơ của bản thân là trở thành giáo viên, mang kiến thức về "trồng người" cho bản làng, do đó đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Với tổng điểm 25,5 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - 2022, Lệ Hằng trở thành người Rục đầu tiên đỗ đại học.
"Mẹ tôi đã vất vả cả đời để chị em chúng tôi có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn. Kỳ vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của mẹ giờ đã thành ước mơ trong tôi. Cuộc sống có không ít lựa chọn nghề nghiệp, nhưng tôi muốn làm cô giáo mầm non, mai này trở về quê hương để chăm sóc, dạy dỗ những em bé vùng cao thành người", nữ sinh viên bộc bạch.
Điều ước bước đầu trở thành hiện thực, nhưng nữ sinh người Rục vẫn canh cánh nỗi lo về việc mình đi học xa, chi phí sinh hoạt và học tập. Vì vậy, Cao Thị Lệ Hằng đã quyết định nhập học tại Trường ĐH Quảng Bình, thay vì theo nguyện vọng xét tuyển ban đầu.
Hiện, Lệ Hằng đang là sinh viên năm 2, chuyên ngành Giáo dục mầm non, Trường ĐH Quảng Bình. Với khát vọng cống hiến, ngay khi vào đại học, cô gái dân tộc Rục - Cao Thị Lệ Hằng đã năng nổ tham gia nhiều hoạt động của trường. Đặc biệt, với vai trò là tuyên truyền viên, nữ sinh tích cực tham gia hoạt động truyền thông tuyển sinh đến các bạn học sinh ở bản, trường dân tộc nội trú cấp 3 tiếp tục theo học đại học.
"Sau khi đỗ và trở thành sinh viên, tôi luôn ý thức những thách thức chờ đợi mình phía trước, vì vậy tôi luôn tâm niệm sẽ nỗ lực hết sức để đạt kết quả tốt nhất, mai này mang kiến thức về bản, dạy dỗ các thế hệ măng non người Rục. Với tôi, thanh xuân thực sự ý nghĩa khi được sống và cống hiến để trở thành người có ích cho xã hội", Lệ Hằng cho biết.
Cũng theo chia sẻ của Lệ Hằng, được sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè khi trở thành sinh viên Trường ĐH Quảng Bình, cô gái người Rục đã quen với cuộc sống sinh viên và không ngừng tiếp tục nỗ lực để biến giấc mơ của bản thân thành hiện thực. Mục tiêu của Lệ Hằng là hoàn thành chương trình đại học và khao khát được trở về quê hương, về với bản làng trên cương vị một cô giáo mầm non. Hằng muốn có một công việc ổn định, kiếm tiền chăm sóc cho mẹ và hơn nữa sẽ góp một phần sức lực để thay đổi bản nghèo nơi mình sinh ra.
Vững tin cùng Hội tiến bước
Vinh dự và tự hào khi đại diện cho sinh viên tỉnh Quảng Bình về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Lệ Hằng cho biết đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Hội Sinh viên Việt Nam và khẳng định vai trò của người bạn đồng hành đáng tin cậy.
"Bước vào ngày hội lớn của sinh viên cả nước, tôi cảm thấy vô cùng hứng khởi, háo hức và mong chờ. Không khí đại hội năm nay rất sôi nổi, bản thân tôi thấy rất vui và vinh dự khi được tham dự đại hội lần này. Công tác chuẩn bị đại hội rất chu đáo, các hoạt động tuyên truyền về đại hội diễn ra rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc đón tiếp các đại biểu tham dự cũng rất nồng hậu, nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi và tinh thần thoải mái cho đại biểu các đoàn khi đến tham dự", Lệ Hằng chia sẻ.
Là một sinh viên từng bước trưởng thành từ công tác Hội và phong trào sinh viên từ giảng đường đại học, nữ sinh người dân tộc Rục luôn ý thức về trách nhiệm của bản thân để có thể trở thành một trong những đại biểu đại diện xứng đáng cho quyền lợi của sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên người dân tộc thiểu số nói riêng, đóng góp những giá trị thiết thực cho thành công của đại hội.
Trong nhiệm kỳ mới, Lệ Hằng kỳ vọng Hội Sinh viên Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, luôn là người bạn đồng hành gần gũi với hội viên, sinh viên cả nước tạo thêm thật nhiều sân chơi bổ ích để sinh viên được học tập, rèn luyện, và trưởng thành, phát triển toàn diện. Và mong muốn sẽ có thêm nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp công sức, trí tuệ làm giàu cho quê hương, đất nước.
"Để đội ngũ sinh viên dân tộc thiểu số có thể phát huy năng lực, khẳng định được vai trò, vị trí của mình, ngoài sự nỗ lực học tập, phấn đấu của bản thân sinh viên thì việc chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần là điều rất cần thiết. Do đó, tôi hy vọng Hội sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực cán bộ hội người dân tộc thiểu số thông qua các chương trình huấn luyện để nâng cao chất lượng hoạt động công tác, đáp ứng mong mỏi của sinh viên, là điểm tựa tiếp sức cho sinh viên dân tộc thiểu số góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh", Lệ Hằng bày tỏ.
Bình luận (0)