Một người sinh ra ở miền Tây Nam bộ, một người lớn lên từ đất bắc, cả hai gặp nhau ở niềm đam mê sen.
Bùi Thanh Tuấn chuẩn bị trồng sen cho một khu du lịch - Ảnh: Duy Khang
|
Tạ Chu Văn (quê ở Quảng Ninh) và Bùi Thanh Tuấn (quê Đồng Tháp) trở thành bạn thân khi theo học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Học ngành địa lý mà Tuấn lại luôn trăn trở về sen. Các câu hỏi: Làm thế nào để người nông dân Đồng Tháp khởi sắc từ nghề trồng sen? Làm sao giúp người nông dân không bị ép giá mỗi khi được mùa? Làm gì để giá trị của sen được nhiều người dân biết đến và sử dụng… luôn canh cánh trong lòng Tuấn.
Hai năm sau ngày ra trường, trong một lần gặp lại nhau, Tuấn thổ lộ những trăn trở của mình về sen với Chu Văn. “Đã nghe Tuấn nói về đề tài này nhiều lần nhưng lần đó, mình mới thật sự lắng nghe một cách nghiêm túc. Và sau lần gặp đó, mình quyết định tìm cách để cùng Tuấn thực hiện ước mơ”, Văn kể.
Chu Văn cho biết thêm: “Thế là một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ sen ra đời. Nói là cửa hàng nhưng sự thật là nơi mình ở trọ. Bước đầu mình rao bán sản phẩm từ sen qua mạng để thăm dò nhu cầu, kết quả nhận được ngoài sức tưởng tượng, lượng người đặt hàng khá nhiều”.
Theo quy trình cả hai lập nên, Tuấn về quê thu mua những sản phẩm sen thô của nông dân rồi chuyển lên TP.HCM để Văn giao cho khách.
Vừa bán sen, vừa mày mò tìm hiểu những công dụng từ sen, học hỏi công nghệ chế biến sen, dần dần Văn mê sen lúc nào không hay. Văn tâm sự: “Hiếm có loại cây nào như sen, tất cả các bộ phận, từ gương, hạt, củ, hoa, lá, thân... đều sử dụng được. Hơn nữa, giá trị tinh thần từ sen là rất lớn trong tiềm thức của người Việt. Từ đó, mình quyết định sẽ sống hết mình với sen”.
Sau một năm thành lập cửa hàng, cả hai quyết định huy động vốn để thành lập Công ty Sen Ta vào tháng 6.2012 để dần dần chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh sen. Một cơ sở sơ chế biến sen với những máy móc thiết bị cơ bản được thành lập tại Đồng Tháp, Tuấn phụ trách thu mua, sơ chế, đóng gói, chuyển hàng lên trụ sở chính của công ty tại TP.HCM - nơi Văn làm giám đốc và điều hành toàn bộ hoạt động của công ty.
Tuy còn rất non trẻ về kinh nghiệm, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, hơn 10 sản phẩm từ sen của Tuấn và Văn đã có mặt tại kệ các siêu thị lớn.
Nói về thành công bước đầu, Chu Văn nói: “Khi chào hàng với các siêu thị lớn, sen của tụi mình đã được đón nhận rất nhiệt tình, được tạo điều kiện để phát triển. Đó là điều vô cùng thuận lợi, rất đáng mừng. Hơn thế nữa, người trồng sen ở Đồng Tháp và nhiều nơi khác cũng đã biết đến công ty mình, sẵn sàng cung cấp sen, vì thế khâu nguyên liệu mình rất thuận lợi”.
Còn với Thanh Tuấn, niềm vui lớn nhất là đã bao tiêu đầu ra cho nhiều hộ trồng sen ở quê nhà, phần nào thực hiện được ước mơ, trăn trở của Tuấn.
Không dừng lại ở cung cấp sản phẩm từ sen, vốn là người quá rành về sen nên Tuấn còn phụ trách cả việc trồng, thiết kế hồ sen và cả hoa súng cho các khu du lịch, hàng quán, hộ gia đình…
Mở rộng thị phần, tăng cường đầu tư khâu chế biến để cho ra đời thêm nhiều sản phẩm từ sen, tạo ra lụa tơ sen - một chất liệu rất có giá trị, quý cho ngành thời trang, đồng thời xuất khẩu sen sang Nhật Bản, Hàn Quốc là những kế hoạch mà Văn - Tuấn đang ấp ủ và mong ước trở thành hiện thực trong năm mới 2015.
Bình luận (0)