Đợt mưa lũ kéo dài hồi tháng 10 và 11.2020 đã cuốn trôi 100 m đoạn đường bê tông độc đạo nối tỉnh lộ 610 với thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), khiến việc đi lại của hơn 300 hộ dân (với 1.300 nhân khẩu) gặp vô vàn khó khăn.
Tuyến đường độc đạo dẫn về thôn Lệ Bắc bị xói lở nghiêm trọng khiến xe máy, xe đạp, ô tô không thể qua lại. Trước tình hình này, người dân thôn Lệ Bắc góp công, góp của thuê phương tiện cơ giới gia cố lại tuyến đường, phục vụ tạm thời việc đi lại.
|
Bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ngụ thôn Lệ Bắc) cho biết người dân đã 8 lần chạy lũ trong tháng 10 và 11 năm ngoái. Nước dâng cao, muốn vào thôn đành phải phụ thuộc con đò nhỏ. Mỗi khi mưa lớn, học sinh phải nghỉ học, nếu có đến trường cũng đầy rủi ro... “Những năm gần đây, nhiều người đã bị nước lũ cuốn trôi khi cố qua vùng nước ngập. Chúng tôi luôn khát khao có một cây cầu để chấm dứt cảnh qua sông lụy đò”, bà Hoa nói.
Ông Hồ Văn Năm (53 tuổi, ở thôn Lệ Bắc) buồn bã nói: “Người dân muốn qua chợ, học sinh muốn đến trường đều phụ thuộc vào con nước. Trước đây từng có một số vụ lật đò, người dân luôn ám ảnh mỗi khi mưa lũ. Nhưng hàng chục năm nay ước muốn có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi vẫn chưa thể thành hiện thực”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu, cho biết thôn Lệ Bắc là một trong những vùng chuyên canh hoa màu lớn nhất ở H.Duy Xuyên với diện tích lên đến 150 ha. Tuy nhiên, giao thông cách trở đang là rào cản lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế ở địa phương, nhất là khâu tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, việc mưa lũ thường xuyên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của học sinh.
“Vào mùa mưa lũ từ tháng 9 - 11 hằng năm, thôn Lệ Bắc luôn bị cô lập. Lũ mức báo động 1 phải đưa đò nhưng cũng rất nguy hiểm. Địa phương cũng như nhân dân mong tỉnh, T.Ư quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xây cầu, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)