Giáo viên học tiếng của trò
|
6 giờ sáng, cô giáo Đặng Thị Thanh Tuyền đã có mặt tại lớp mẫu giáo ở sóc Bù Nâu (ấp 9, xã Lộc Thuận, H. Lộc Ninh, Bình Phước), nhưng lúc này chưa có học sinh (HS) nào đến. Cô Tuyền cho hay: “HS ở đây đi học muộn và hay nghỉ học nhưng GV thì phải đến lớp trước 6 giờ để đón các cháu. Do HS chủ yếu là người S’Tiêng nên nếu cháu nào không đi học thì GV phải đến nhà, nói chuyện với gia đình, vận động các cháu đến lớp”.
Lớp mẫu giáo cô Tuyền phụ trách là một trong những “điểm lẻ” của Trường mẫu giáo Sao Sáng (xã Lộc Thuận). Tại đây, chỉ vỏn vẹn có 2 căn phòng, một là của HS tiểu học và phòng còn lại cho lớp mẫu giáo. Cơ sở vật chất ở lớp học này thiều đủ thứ như sân vui chơi, đồ dùng học tập…
Tuy vậy, cô giáo Hoàng Thảo Nguyên- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Sáng vẫn lạc quan cho rằng: “Dù điệu kiện dạy và học ở địa phương còn khó khăn, nhưng nếu so với trước, bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Trước đây, rất ít gia đình quan tâm cho con đi học đúng tuổi, thì hiện nay nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đến trường từ khi các cháu vào mầm non. Có thể nói, đó cũng là thành quả mà công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành cũng như ngành giáo dục mang lại”.
|
Theo cô Thảo Nguyên, một trong những khó khăn của các GV mầm non, đặc biệt người mới vào nghề do không biết tiếng S’Tiêng, Khmer, nhưng nhiều cháu chưa nói thạo tiếng Việt, nên cô-trò không hiểu ý nhau. Về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy nhiều GV đứng lớp lâu năm như cô giáo Lê Thị Nguyệt (Trường mẫu giáo Sao Sáng) có thể nghe, hiểu và trao đổi với các HS của mình bằng tiếng S’Tiêng, Khmer. Để có được sự “hiểu biết” đó, các GV không chỉ dạy tiếng Việt cho HS, mà chính họ còn phải tìm hiểu và học thêm ngôn ngữ của học trò.
Ươm mầm nơi biên giới
Đội 8, xã Hưng Phước (H.Bù Đốp) nằm sát biên giới Campuchia, dân cư sống thưa thớt. Nơi đây hiện vẫn chưa có điện và sóng điện thoại. Thế nhưng trên con đường vào đội 8, từ nhiều năm qua đã có một dãy phòng học khang trang. Đó là lớp học mầm non do Đoàn Kinh tế quốc phòng 717- Binh đoàn 16 xây dựng.
|
Ngay từ những ngày đầu thành lập, song song với nhiệm vụ cải tạo đất hoang hóa và rừng nghèo kiệt dọc biên giới để trồng cao su phát triển kinh tế, Đoàn Kinh tế quốc phòng 717 đã xây dựng các lớp mầm non tại những khu vực vùng sâu, vùng xa nhất thuộc 8 xã của 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đăng để đón nhận HS là con em nhân dân, cán bộ ở địa phương.
Anh Vũ Văn Định- Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Kinh tế quốc phòng 717 cho hay: “Để có đội ngũ GV đứng lớp, từ năm 2004 đến nay, Đoàn đã cử 26 nữ thanh niên đi học trung học sư phạm mầm non tại Đắk Lắk (các lớp 9+3 và 12+2). Năm học 2012-2013, Đoàn mở được 10 lớp nhà trẻ và 2 lớp mẫu giáo. HS học trong các lớp của đơn vị mở đều không phải đóng tiền học phí”.
Cô giáo Đoàn Thị Tuyết Sương (ngụ xã Thanh Bình, H.Hớn Quản) bộc bạch: “Lúc đầu lên đây vắng vẻ, tối lại không có điện xem tivi, điện thoại cũng không có sóng để gọi cho người thân nên buồn lắm, nhưng ở riết rồi giờ thành quen”. Cô Sương năm nay 24 tuổi, từng tốt nghiệp Trung cấp kế toán và là tri thức trẻ tình nguyện về Binh đoàn 16. Sau khi hết thời gian tình nguyện, năm 2012, cô đã ở lại làm nghề dạy trẻ tại đơn vị này.
Thống Nhất
Bình luận (0)