Uống nước tiểu có thể chữa bệnh ?

24/03/2007 11:31 GMT+7

Gần đây tòa soạn nhận khá nhiều câu hỏi của độc giả về việc uống nước tiểu của chính mình có thể chữa được bách bệnh và trường thọ hay không. Vậy các nhà y học nói sao - có thật là nó có lợi cho sức khỏe?

Thật ra thì phương pháp chữa bệnh bằng nước tiểu (I'urinothérapie) đã có xuất xứ từ rất lâu, thậm chí còn rất phổ biến tại một số vùng ở Trung Hoa. Tân Hoa xã ngày 1.6.2001 cho biết, hơn 3 triệu người Trung Quốc đã uống nước tiểu của chính mình để chữa bệnh và giúp thân thể khỏe mạnh, cường tráng, vì tin rằng thứ nước này có lợi cho sức khỏe.

Năm 1993, ông Trang Tây Dân tỉnh Tây An (Trung Quốc) đã là người đi đầu trong việc lập cơ sở chữa bệnh bằng nước tiểu. Người ta được thông báo là nước tiểu chứa rất nhiều thành phần hoạt tính có khả năng củng cố hệ miễn dịch, không chứa vi khuẩn và vệ sinh hơn máu. Hiện nay, hơn 10% người Trung Hoa vẫn khẳng định tác dụng của phương thuốc đơn giản mà thần kỳ này vì họ cho rằng nước tiểu không phải là một chất thải của cơ thể mà là những chất được lọc ra từ máu.

Ở một số nơi, nước tiểu còn có thể được dùng theo giọt, nhỏ vào mắt, vào tai, vào nước súc miệng hoặc vào nước tắm.  Chúng ta đã biết rằng thận là cơ quan bài tiết chủ yếu của cơ thể, chức năng chính của thận là đào thải từ máu các loại chất độc đưa từ ngoài vào hoặc do cơ thể sinh ra và các chất cặn bã mà cơ thể không còn cần đến nữa.  Mọi chất dinh dưỡng đều có thể vào cơ thể qua đường miệng, nhưng sau khi được ngấm từ ruột vào máu thì phải đi qua cơ quan tổng hợp, xử lý hóa học là gan, rồi sau đó vòng qua thận để lọc lại lần nữa, thải bớt những chất có quá nhiều so với nhu cầu và những chất độc cho cơ thể sinh ra trong quá trình chuyển hóa và hoạt động.

Do vậy, về bản chất, nước tiểu hầu hết là các chất độc mà cơ thể lúc đó cần phải thải ra ngoài.  Ở nước tiểu đầu trong bao Bowman thì hoàn toàn vô trùng và có thành phần gần giống huyết tương (một số chất sau đó được hấp thu lại và bài tiết thêm khi đi qua các ống thận). Có thể trong nước tiểu vẫn còn lại một số vitamin và các chất dinh dưỡng khác do hàm lượng trong máu đã quá nhiều mà không thể sử dụng hết (nên nước tiểu khi tưới cho cây vẫn có tác dụng dinh dưỡng và kích thích sinh trưởng tốt).

Ở thời điểm đó, nếu có đem uống lại ngay khi nồng độ trong máu vốn đã cao thì chúng vẫn là thừa và sẽ lại được đào thải ra lần nữa.  Ngoài chức năng lọc, thận còn làm nhiệm vụ điều hòa nồng độ các chất trong cơ thể để giữ cân bằng cho nội môi (các loại dịch trong cơ thể) và còn làm chức năng nội tiết nhỏ thông qua Angiotensin và Erythropoietin được tiết ra ở  bộ phận cận cầu thận - tuy nhiên những chất này chỉ vào máu chứ không được thải ra qua nước tiểu.

Nước tiểu đầu có thể là vô trùng nhưng khi lần lượt đi qua bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo để ra ngoài thì đều có thể bị bội nhiễm thêm dọc đường do đi qua những vùng viêm nhiễm và bệnh lý của các cơ quan đó.  Do vậy, nước tiểu hứng được ở phía ngoài thì hơn 80% là không còn sạch nữa. Mặt khác, nước tiểu vốn có nồng độ muối rất cao nên uống chúng cũng không khác gì uống nước muối sẽ càng làm cho khát thêm và có nguy cơ giữ nước lại gây hại cho cơ thể (phù, cao huyết áp, suy tim...).

Cho đến giờ này vẫn chưa có bất cứ tài liệu y học nào chứng minh một cách khoa học rằng nước tiểu có tác dụng chữa bệnh, có thể uống được ngoại trừ các trường hợp lưu lạc ngoài biển, trên núi cao không có nước ngọt và phải uống lại để bổ sung nước cho cơ thể.

Mặc dù ở Trung Quốc và một số nơi khác như Ấn Độ, Đông Nam Á và vùng duyên hải phía Đông châu Mỹ vẫn còn có quan niệm dân gian uống nước tiểu để phòng bệnh, nhưng ngay chính các tài liệu y tế chính thức của các nước này cũng chưa từng đưa ra một sự thừa nhận khoa học nào, hầu hết vẫn chỉ là những lời đồn đại mang tính truyền miệng trong dân chúng. 

Tin hay không vào tác dụng chữa bệnh của nước tiểu là hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của từng người. Y học hiện đại thì chưa thừa nhận và chỉ khuyến cáo rằng người nào dùng phương pháp này cần coi chừng có nhiễm khuẩn và nhiễm thêm muối, thêm chất độc vào người, từ đó cũng có thể sẽ là nguy hiểm nếu bạn chưa hiểu hết về chúng. Tin hay không, có dùng hay không hoàn toàn là tùy bạn, chứ y học thì không hề khuyến khích.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.