Uống rượu 'đụng gì ngâm nấy', coi chừng rước họa vào thân

Thanh Nam
Thanh Nam
09/02/2024 11:04 GMT+7

Không ít người có thói quen đem những gì được cho là bổ để ngâm rượu. Sau đó "thần thánh hóa" cho rằng nếu uống sẽ đem lại tác dụng tích cực đến sức khỏe. Nhưng việc này tiềm ẩn nhiều mối nguy.

Cái gì cũng đem ngâm rượu

Anh Nguyễn Văn Trọng (35 tuổi), ở P.Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đăng bình rượu "tự chế" lên Facebook với lời mời bạn bè tết đến nhà thưởng thức.

Anh Trọng cho biết đã ngâm rượu với ếch, lươn, rắn, rết. "Tôi ngâm được 5 tháng và rượu đã uống được. Rượu này rất tốt cho sức khỏe", anh Trọng kể thêm.

Uống rượu 'đụng gì ngâm nấy', coi chừng rước họa vào thân- Ảnh 1.

Nhiều người có thói quen ngâm rượu với đủ loại rễ, lá cây, động vật, côn trùng, bò sát

THANH NAM

Chị Huỳnh Thị Thảo (32 tuổi), ở chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TP.HCM, kể vào đầu tháng chạp, chồng của chị đã dành nhiều thời gian mày mò nghiên cứu và ngâm hai bình rượu. "Một bình là trộn lẫn các động vật như: kiến, nhộng ong. Một bình thì ngâm với bắp và đủ loại rễ cây. Chồng thỉnh thoảng lại mở nắp để ngửi mùi, nếm thử rồi tấm tắc tự khen sao rượu ngon quá", chị Thảo kể lại.

Đây chỉ là một số trong nhiều câu chuyện của người trẻ thường tự ngâm rượu theo ý muốn, sở thích của bản thân. Có những bình rượu hiện diện đủ loại động, thực vật trong đó bởi thói quen "cái gì cũng có thể đem ngâm rượu".

Uống rượu 'đụng gì ngâm nấy', coi chừng rước họa vào thân- Ảnh 2.

Có những người tin rằng uống rượu tự ngâm sẽ cho cảm giác khác lạ

THANH NAM

Anh Trần Tiến Vương (32 tuổi), ngụ tại 76 đường số 12, Q.Bình Tân, TP.HCM, kể ở nhà có 7 bình rượu ngâm. Mỗi bình có dung tích cả chục lít.

Anh Vương chia sẻ thật: "Tôi hay ngâm rượu theo… lời đồn. Thường khi nghe bạn bè, đồng nghiệp nói rượu ngâm với loại này, loại kia sẽ tốt thì tôi sẽ làm theo".

Nguyễn Đỗ Lê Hải (27 tuổi), ngụ tại H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, thừa nhận thường ngâm rượu với các loại động, thực vật. "Chủ yếu là kinh nghiệm dân gian truyền miệng thôi chứ không theo một công thức cụ thể nào cả", Hải nói và cho biết thêm: "Tôi có 4 bình rượu, ngâm đủ thứ. Một bình ngâm tỏi, sắn, đu đủ, đinh lăng, nấm. Một bình gồm hỗn hợp nhiều loại thảo dược… Tôi uống thấy rất ngon. Mỗi loại có những vị khác nhau".

Uống rượu 'đụng gì ngâm nấy', coi chừng rước họa vào thân- Ảnh 3.

Nhiều người trẻ thích ngâm rượu theo... lời đồn

THANH NAM

Coi chừng ngộ độc

Nói về lý do ngâm rượu, Hải cho biết: "Sẽ cho ra những mùi vị lạ, không giống với bất kỳ loại rượu nào khác".

Còn anh Lê Quốc Hưng (31 tuổi), ở H.Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, thì cho rằng: "Uống rượu tự ngâm sẽ cho cảm giác khác. Ngon hơn những loại rượu trên thị trường".

Anh Hưng cũng kể có sở thích sưu tầm những loại bình cỡ lớn, hoặc vỏ các chai rượu ngoại. Sau đó đem về nhà để ngâm rượu.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Huế, Phòng khám Y học cổ truyền Phú Đức, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, không thể phủ nhận việc nhiều người thường tùy ý ngâm rượu mà không dựa vào những phương pháp khoa học được kiểm chứng. Điều này, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe, dẫn đến những trường hợp ngộ độc rượu.

Bác sĩ Huế nói đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám, ta thán bị ói do uống rượu tự ngâm. Có trường hợp bị tăng huyết áp, rối loạn hành vi, nhiễm khuẩn đường ruột, thậm chí tổn thương não, hôn mê sâu, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu, điều trị tích cực. Có người sau khi được cứu chữa lại gặp tình trạng suy gan, thận…

"Uống rượu được ngâm theo kiểu vô tội vạ thì rất nguy hiểm. Không phải cái gì được cho là bổ khi ngâm rượu cũng phát huy tác dụng. Chẳng hạn, rượu ngâm rết dùng để bôi ở ngoài da, điều trị bệnh phong thấp. Nhưng nếu dùng để uống thì… nguy to. Hay nhiều loại động vật, muốn ngâm rượu phải bỏ hết các cơ quan nội tạng có chứa độc tố, phải nướng, rửa sạch... Đằng này nhiều người ngâm "nguyên con", mà trong máu của động vật thường bị nhiễm vi khuẩn, ấu trùng, dẫn đến tình trạng bình rượu bốc mùi, chưa uống mà chỉ ngửi thôi đã muốn ói", bác sĩ Huế nói.

Uống rượu 'đụng gì ngâm nấy', coi chừng rước họa vào thân- Ảnh 4.

Một trường hợp ngộ độc nặng sau khi uống rượu ngâm chuối hột, phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy

BỆNH VIỆN CHỢ RẪY

Một sai lầm khác của những người có thói quen "đụng gì ngâm nấy", đó là cứ mặc định việc càng đem nhiều loại động, thực vật trộn lẫn vào nhau sẽ giúp tăng cường tối đa sự bổ dưỡng. "Suy nghĩ này không đúng. Không phải ngâm càng nhiều loại là tốt. Vì có những loại kỵ nhau sẽ gây ra độc tố, để lại hệ lụy cho sức khỏe", bác sĩ Huế thông tin thêm.

Theo bác sĩ Huế, không nên ngâm rượu kiểu tùy thích "ưng gì ngâm nấy" từ rễ, lá cây, các loài động vật, côn trùng, bò sát… Cũng đừng nên "thần thánh hóa" các loại rượu ngâm. "Ngâm rượu phải đúng liều lượng. Có thể nhờ sự tư vấn của những người có chuyên môn, hiểu biết, chẳng hạn như các lương y, bác sĩ. Chứ không phải chủ quan ngâm rượu chỉ vì "người khác bảo vậy", "nghe nói ngâm thế là bổ"… kẻo tự chuốc hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe", bác sĩ Huế nói.

"Nên cẩn thận khi uống những loại rượu không nguồn gốc, xuất xứ, được ngâm kiểu vô tội vạ trong những ngày tết sắp tới. Nếu không cẩn thận, có thể… mất tết", bác sĩ Huế nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.