BS Kim Oanh – BV Hùng Vương, TP.HCM
Khi mang bầu bạn vẫn được điều trị bằng thuốc?
Đúng! Trong nhiều trường hợp, các bà bầu cũng cần được điều trị bằng thuốc, nhưng là thuốc được bác sỹ kê đơn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và cả người mẹ.
Uống thuốc trị cảm, nhức đầu trong tháng đầu thai kỳ sẽ bị tổn thương đến thai nhi?
Sai. Trong điều kiện họ dùng thuốc này không quá 3 liều trong tháng đầu tiên thai kì. Thuốc hạ sốt, giảm đau... hầu hết ít ảnh hưởng đến thai kỳ. Ngay cả những phụ nữ đang mang thai bị cảm vẫn có thể dùng được các loại thuốc này với sự hướng dẫn, chỉ định của bác sỹ chuyên môn.
Sử dụng thực phẩm chức năng trong thời kỳ mang bầu sẽ tốt hơn cho sức khỏe?
Sai. Bất kỳ loại thuốc men, hóa chất gì, ngay cả thuốc bổ, thai phụ cũng nên sử dụng theo chỉ định của BS. Với thực phẩm chức năng thì càng nên thận trọng bởi ranh giới thuốc – thực phẩm chức năng rất mong manh. Có nhiều loại trước đây người ta cho là thuốc nhưng sau này lại nằm trong nhóm thực phẩm chức năng, như MamaNatal chẳng hạn. Thuốc bổ, viên đa sinh tố, vitamin… để bổ sung trong thai kỳ cần được BS cho với hàm lượng, thành phần… phù hợp với từng bà bầu, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Vì vậy, nếu có ý định sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng cũng phải tham khảo ý kiến bác sỹ kĩ lưỡng.
“Lỡ” uống thuốc ngừa thai khẩn cấp, 2 ngày sau phát hiện có thai, trường hợp này phải bỏ thai vì sợ thai nhi bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của thuốc?
Sai! Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng hiện nay thường chứa levonorgestrel (thuốc làm thay đổi dịch nhày cổ tử cung, tạo nên một hàng rào ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào tử cung), hàm lượng 0,75mg. Đây là dạng nội tiết chỉ có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau đầu, căng vú, chóng mặt, ra huyết ít, kinh thưa hoặc sớm hơn bình thường nhưng nguy cơ trên thai nhi không có. Vì thế thai phụ không nhất thiết phải bỏ thai khi đã lỡ uống thuốc tránh thai.
Mẹ bị bệnh cảm, nhiễm siêu vi sẽ ảnh hưởng đến thai nhi?
Đúng! Nếu bị bệnh cảm và nhiễm siêu vi trong thời kì mang thai tỷ lệ xác suất ảnh hưởng đến bào thai lên tới 90%. Nhiễm một số loại siêu vi khác có thể gây ảnh hưởng trên thai nhi như sẩy thai hoặc sinh non.
Với bệnh Rubella, không có cơ hội để “lỡ”?
Đúng! Nếu thai phụ mắc bệnh Rubella nguyên phát trong 3 tháng đầu thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị hội chứng Rubella bẩm sinh (gồm 1 hoặc nhiều bất thường như: mù, điếc, tim bẩm sinh, tật não nhỏ, chậm phát triển thể chất và tinh thần) lên đến 90%. Với bệnh Rubella, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng ngừa Rubella với vacxin (cho miễn dịch suốt đời) trước khi mang thai là cách tốt nhất để tránh nguy cơ bệnh gây dị tật cho em bé.
Trong suốt thời gian thai kỳ, nếu mẹ không phải sử dụng viên thuốc cảm, sổ mũi... nào, con sinh ra sẽ mạnh khỏe?
Sai! Các thai phụ cần lưu ý rằng ngay cả khi không hề dùng bất kì loại thuốc nào, không mắc bệnh, tuổi mẹ thấp… thì vẫn có khoảng 1/ 800 – 1/ 1.100 trường hợp có bất thường thai nhi. Vì vậy, việc thăm khám thai định kì luôn cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.