Đồng đô la Mỹ tăng giá kết hợp với giá dầu thô giảm sâu đặt ra một thách thức mới với nền kinh tế Nga trong năm 2016, báo Nga Russia Today viết.
Ảnh: Bloomberg |
Quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên đồng bạc xanh mạnh. Song trong tất cả các nhà sản xuất dầu lớn, Nga có thể là nước đối phó được với USD lên cao và giá dầu rẻ. Các công ty dầu mỏ Nga thanh toán chi phí bằng đồng rúp Nga (RUB) yếu trong khi nhận lại USD cho sản phẩm của họ.
Điện Kremlin đã chọn cách buộc các công ty dầu mỏ Nga bán thêm ngoại tệ và tăng thuế. Điều này sẽ giải quyết hai vấn đề: chuyển đổi từ USD sang RUB sẽ củng cố nội tệ và thuế thu thêm sẽ lấp đầy những lỗ hổng ngân sách.
Trong khi đó, các nước sản xuất dầu khác có thể không may mắn như Nga. Ả Rập Xê Út từ chối cắt giảm sản lượng để bảo toàn thị phần, hy vọng thắng thế trước các đối thủ cạnh tranh, chủ yếu là Mỹ và Nga. Song đó là một cuộc chơi nguy hiểm. Ả Rập Xê Út có thể cạn kiệt tài sản tài chính trong vòng 5 năm.
Hồi tháng 12.2015, Bộ Tài chính Nga công bố kế hoạch ngân sách dựa trên kịch bản giá dầu thấp 30 USD/thùng đến năm 2020. Theo Thứ trưởng Tài chính Nga Maxim Oreshkin, kịch bản trên sẽ để lại tác động rất lớn với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nền kinh tế ít có sức ảnh hưởng trong OPEC đang phải chật vật với giá dầu thấp. Angola, Nigeria và Venezuela đã và đang kêu gọi cắt giảm sản xuất để tăng giá.
Bên kia Đại Tây Dương, việc Quốc hội Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại bốn thập niên qua cũng là yếu tố thay đổi cuộc chơi với Nga. Song các nhà sản xuất dầu thô Mỹ có thể không sẵn sàng xuất khẩu nếu giá cả vẫn thấp. Nếu chi phí sản xuất lớn hơn giá cả một thùng dầu mỏ, rất có thể các hãng năng lượng Mỹ sẽ sản xuất ít đi và ở lại thị trường nội địa.
Điện Kremlin cũng đang đối mặt với cuộc chiến nội địa. Các hãng dầu mỏ chính ở Nga đang phản đối kế hoạch của Bộ Tài chính. Theo CEO Rosneft Igor Sechin, lấy thêm doanh thu từ các hãng dầu mỏ đồng nghĩa với việc để lĩnh vực kinh tế chính của Nga không đủ tiền để phát triển.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov muốn các hãng năng lượng phải trả gấp ba lần khoản thuế mà họ đang nộp hiện tại, tức đóng 600 tỉ RUB thay vì chỉ 200 tỉ RUB. Theo ông Siluanov, nếu không làm như trên, thâm hụt ngân sách sẽ tăng khiến chính phủ phải vay, thu hồi các nguồn lực từ khu vực tư nhân và tăng lãi suất. Lĩnh vực năng lượng càng nhận được nhiều thì những khu vực còn lại càng nhận ít đi.
Một phương án khác để Moscow giảm bớt thâm hụt ngân sách là phá giá nội tệ so với các đồng tiền phương Tây. Tuy nhiên, đây là cách trực tiếp dẫn đến lạm phát tăng vọt, giảm thu nhập trong nước và nhu cầu tiêu dùng - một trong những vấn đề lớn nhất của kinh tế Nga năm 2015. Mục tiêu của Điện Kremlin trong năm nay là cắt giảm lạm phát xuống 6,4% từ mức 12% trong năm qua.
Bình luận (0)