Sáng 31.7, sau khi kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa xét xử Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, và các đồng phạm bước sang phần tranh luận.
Hành vi rất nghiêm trọng
Đại diện Viện kiểm sát (VKS) Quân sự Quân khu 7 giữ quyền công tố tại tòa đã đọc biên bản luận tội đối với các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P), Bùi Văn Tiệp (đại tá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) và Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P chi nhánh tại Bình Dương).
Sau khi phân tích các lời khai, chứng cứ, tài liệu được công khai tại tòa, đại diện VKS khẳng định, hành vi của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, trong khoảng thời gian 2011-2016, Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị cơ quan cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua xe bằng vốn tự có rồi đăng ký biển đỏ quân sự, biển xanh 80A. Tiếp đó, Hệ trực tiếp hoặc chỉ đạo thế chấp, cho thuê hoặc giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội vi phạm quy định của quân đội và nhà nước về sử dụng xe ô tô trong các đơn vị quốc phòng.
Tiếp đó, với động cơ vụ lợi, Hệ đã liên lạc vói ông Lê Thanh Cung, lúc đó là Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương, đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không bị xử phạt.
Hệ liên lạc và đặt vấn đề với đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, để được giúp đỡ, nhận số xăng hơn 20.000 lít kém chất lượng là của Sư đoàn, thông qua hợp đồng giả, để trốn khoản phạt hành chính hơn 1,4 tỉ đồng, gây thất thoát cho nhà nước.
Theo đánh giá của VKS, hành vi của các bị cáo Hệ, Lâm, Tiệp, Sơn là rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm hại lợi ích của nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của quân đội. Trong đó, bị cáo Hệ là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm chính. Bị cáo Lâm là người thừa hành tích cực hành vi làm giả giấy tờ, hợp thức hóa 20.000 lít xăng kém chất lượng, hành vi xếp sau bị cáo Hệ còn các bị cáo Tiệp, Sơn là đồng phạm giúp sức.
Đối với hành vi Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức của Đinh Ngọc Hệ, đại diện VKS cho rằng, năm 2000, bị cáo Hệ đã mua một bằng đại học và bảng điểm giả của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sau đó sử dụng tài liệu này để nâng lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm. Mặc dù tại tòa, bị cáo Hệ khẳng định không sử dụng và không biết đây là bằng giả, nhưng đại diện VKS cho rằng, lời khai này không có căn cứ.
Đối với bị cáo Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, đại diện VKS cho rằng, trên cương vị là Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, bị cáo đã buông lỏng quản lý, thiếu kiếm tra, giám sát đối với các hoạt động của Công ty cổ phần và đối với quân nhân Đinh Ngọc Hệ, dẫn đến nhiều sai phạm của Hệ như đã nêu, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của quân đội. Do đó, đại diện VKS cho rằng, hành vi của bị cáo Thắm đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đề nghị mức án 12-15 năm tù, tịch thu hơn 6 tỉ đồng
Từ phân tích nêu trên, đại viện VKS đề nghị tòa xử phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10-12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2-3 năm tù về tội Sử dụng tại liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp cả 2 hình phạt là 12-15 năm tù.
Đối với bị cáo Trần Văn Lâm, đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt từ 5-7 năm tù, với hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong doanh nghiệp từ 3-4 năm.
Đối với bị cáo Bùi Văn Tiệp, đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt từ 2-3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhận chức vụ quản lý trong doanh nghiệp 3-4 năm.
Với bị cáo Trần Xuân Sơn, đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt 1 năm 6 tháng tới 2 năm tù, thời gian thử thách là 3-4 năm. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhận chức vụ quản lý trong doanh nghiệp 3-4 năm.
Bị cáo Phùng Danh Thắm bị đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt cải tạo không giam giữ 1 năm 6 tháng tới 2 năm. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp từ 1-2 năm.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng đề nghị tòa sử dụng các biện pháp tư pháp, buộc các bị cáo Hệ, Lâm, Tiệp, Sơn bồi thường số tiền 1,4 tỉ đồng số tiền thất thoát do hành vi làm giả giấy tờ để hợp thức 20.000 lít xăng tại cửa hàng xăng Thái Sơn.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng đề nghị tòa tuyên tịch thu sung ngân sách số tiền hơn 6 tỉ đồng thu được do Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P cho thuê xe biển đỏ quân sự và biển xanh 80A.
Sau khi đại diện VKS công bố bản luận tội, tòa tiếp tục tranh luận với phần bào chữa của các luật sư.
Bình luận (0)