Ưu tiên nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế

21/10/2011 01:37 GMT+7

Trình bày trước Quốc hội (QH) về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 trong phiên khai mạc kỳ họp sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Lạm phát giảm dần

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2011, Thủ tướng cho biết từ tháng 5.2011, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%.

Chính sách tài khóa được điều hành theo hướng thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành; miễn, giảm nhiều loại thuế cho DN và cá nhân. Kết quả là, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.

Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Văn hóa, xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, số người chết và bị thương tăng so với cùng kỳ năm trước; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm...

Cùng với các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan được người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận là có hạn chế, yếu kém trong quản lý, lãnh đạo, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN).


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình KT - XH tại QH ngày 20.10 - Ảnh: Ngọc Thắng

Tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Về chính sách tài chính, tiền tệ và giá cả, Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hằng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11. Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý. Điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, không để biến động lớn. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán; kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng.

Chính phủ cũng tăng cường quản lý nhà nước về giá. Ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường, thực hiện công khai minh bạch giá các hàng hóa này, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích.

''Chính sách tài khóa được điều hành theo hướng thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành; miễn, giảm nhiều loại thuế cho DN và cá nhân... - Báo cáo của Chính phủ

Ba trọng tâm tái cơ cấu kinh tế

Chính phủ cho rằng tái cơ cấu lại nền kinh tế là một trong những giải pháp chính và chủ yếu trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Trong năm 2012, Chính phủ xác định tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, DNNN (tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).

Về đầu tư, Chính phủ dự kiến tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, bố trí vốn theo hướng tập trung cho các dự án đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; ưu tiên cho các dự án hoàn thành năm 2012. Hạn chế tối đa việc bổ sung thêm các dự án mới. Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ.

Trong kế hoạch tái cơ cấu DNNN, Chính phủ khẳng định cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại, rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Các DN này sẽ chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần chi phối.

Chính phủ cũng sẽ có phương án sắp xếp kiện toàn các DN thua lỗ. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, hoàn thiện cơ chế đại diện vốn. Các DNNN cũng sẽ phải tiến hành công khai kết quả kinh doanh và được đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu khu vực DN dân doanh.

Đối với kế hoạch tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng, Chính phủ chủ trương tái cấu trúc theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng. Cơ quan điều hành cũng sẽ có cơ chế để những ngân hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Chính phủ kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa, thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ, nâng giá trị đồng VN. Về lâu dài, cơ quan quản lý từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu DN.

Một số chỉ tiêu Chính phủ trình QH

- Năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%.

- Năm 2012 tăng GDP khoảng 6 - 6,5%; giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Phấn đấu đạt 7%.

- Năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%.

- Năm 2012 dự kiến tăng khoảng 12 - 13% tổng kim ngạch xuất khẩu so với năm 2011; nhập siêu 11,5 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2015, nhập siêu khoảng 10%.

- Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.