Để tìm lời giải cho thực trạng xây dựng nông thôn mới hiện nay, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là cố vấn Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Người dân ở xã Yên Bình, Ý Yên (Nam Định) bỗng dưng bị "tịch thu" ruộng sau dồn điền, đổi thửa - Ảnh: Hoàng Long |
* Theo khảo sát của Thanh Niên, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) còn nhiều bất cập như nhiều địa phương chạy theo thành tích nên rơi vào cảnh nợ nần; xây các công trình đạt chuẩn NTM rồi bỏ hoang; mập mờ trong dồn điền đổi thửa... Vậy theo ông nguyên nhân do đâu?
- Trước hết phải ghi nhận sự nỗ lực của dân và chính quyền cơ sở trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM trong thời gian qua, bộ mặt nông thôn, hạ tầng nông thôn cả nước thay đổi. Đời sống nhân dân được nâng lên, giảm nghèo bình quân cả nước giảm xuống còn 2%; 99% xã có điện; hơn 90% hộ có điện; 80% hộ có nước hợp vệ sinh...
|
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM cũng bộc lộ một số tồn tại lớn. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do chính quyền địa phương mong muốn xã mình, huyện mình đạt NTM, nên huy động sức dân quá mức. Tình trạng đầu tư xây dựng cơ bản tương đối nhiều, dẫn đến nợ đọng quá nhiều. Cá biệt nợ lớn nhất là H.Phước Long (Bạc Liêu) nợ hơn 270 tỉ đồng, vượt quá khả năng trả. Rõ ràng địa phương đã thực hiện không đúng chính sách. Những trường hợp đó, ban chỉ đạo đã phát hiện, xử lý và điều chỉnh kịp thời. Hiện nợ đọng phần lớn vẫn trong vòng kiểm soát của địa phương, chứ chưa quá mức kiểm soát.
Nguyên nhân thứ 2, đúng là ở các địa phương có tư tưởng thành tích. Chính quyền ai cũng mong muốn hoàn thành nghị quyết của huyện mình, xã mình. Ai cũng mong muốn để lại dấu ấn gì đó của người lãnh đạo cho dân. Họ mong chờ nguồn lực của nhà nước, của doanh nghiệp, của dân, nhưng cân đối không đủ do suy thoái kinh tế, nên xảy ra tình trạng vỡ kế hoạch, đổ nợ cho huyện, cho xã. Cũng có nơi có động cơ không lành mạnh, làm để kiếm chác. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng không hiệu quả, không đáp ứng nhu cầu của dân. Biểu hiện lớn nhất là một số nhà văn hóa thôn không xây dựng chỗ dân mong muốn mà xây dựng ngoài đồng, không ai đến hoặc không kết hợp nhà văn hóa thôn với hội sở thôn. Tương tự chợ cũng vậy, mình xây dựng thiếu văn hóa, tùy tiện nên người ta không vào. Món nợ cả ngân sách và doanh nghiệp, thậm chí cả vay mượn của dân làng. Đấy là hiện trạng có thật. Những tồn tại đó, chúng ta phải dám nhìn nhận để sửa đổi, khắc phục cho giai đoạn sau.
* Theo ông để trở thành NTM có cần thực hiện cả 19 tiêu chí hay không?
- Trong 19 tiêu chí chia ra 5 nhóm: quy hoạch, hạ tầng, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh chính trị cơ sở. Khi xây dựng NTM mình phải nhìn về tương lai, không nên nhìn trước mắt được. Chính phủ đang lấy ý kiến điều chỉnh các tiêu chí phù hợp với từng vùng nhưng về số lượng vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí. Trong đó ưu tiên số 1 là phát triển sản xuất, nhưng để sản xuất phải phát triển hạ tầng. Thực ra mà nói, bức xúc nhất của nông thôn là hạ tầng. Làm NTM, chỉ có đường mới tiếp xúc với thành phố, mới đưa được hàng hóa đi, người dân học hành, được tiếp cận với y tế chữa bệnh...
* Vậy để xây dựng NTM đạt hiệu quả thì cần phải làm gì, thưa ông?
- Theo tôi các địa phương phải cân đối nguồn lực không được làm quá nguồn lực. Điều quan trọng nhất có chính sách đúng để doanh nghiệp vào với nông nghiệp. Cần phải kiên trì chỉnh trang lại hạ tầng nông thôn, phải thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn cả điện, đường, trường, trạm thì mới có thể tạo điều kiện cho người ở đô thị; những người ở KCN về sống ở nông thôn thì mới giảm căng thẳng hiện nay của xã hội. Như vậy trong tái cơ cấu phải bố trí các KCN, các cơ sở nông nghiệp về với nông thôn.
Kỷ cương cũng phải chặt lại, làm sao cán bộ tỉnh phải kiểm soát được cán bộ huyện trong vấn đề NTM, cán bộ huyện kiểm soát cán bộ xã...
Bình luận (0)