Theo từ điển tiếng Việt, ưu tiên là được chú ý trước nhất, trước những đối tượng khác vì được coi trọng hơn.
Với định nghĩa này, thông thường nhiều người sẽ nghĩ rằng ưu tiên không thể là số đông hay nói một cách khác, phải thuộc phần thiểu số và tinh hoa. Thế nhưng, nếu chỉ xét trên những văn bản liên quan đến ưu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ này và những số liệu từ thực tế tuyển sinh của các trường, khái niệm “ưu tiên” lại thuộc về số đông?
Theo tài liệu phân chia khu vực, đối tượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 của Bộ GD-ĐT, toàn bộ 63 tỉnh thành trong cả nước đều có ưu tiên khu vực. Nếu bỏ đi 3 đối tượng mà Thông tư 28 vừa mới ban hành ngày 16.7, theo quy chế tuyển sinh hiện hành, có gần 60 loại ưu tiên theo đối tượng. Từ số liệu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong năm 2012, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho thấy chỉ khoảng 13% thí sinh dự thi ĐH không thuộc đối tượng ưu tiên, đến 82% tổng số thí sinh được cộng thêm từ 0,5 đến 3,5 điểm. Với những số liệu này, rõ ràng chúng ta đang ưu tiên cho số đông.
Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thanh Niên, ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng đối tượng ưu tiên chỉ nên chiếm một số lượng nhỏ nào đó, trong tổng số thí sinh dự thi. Để tất cả số lượng này được hưởng ưu đãi giáo dục thì lớn lắm, như vậy mất cân đối và gây thiệt thòi cho các đối tượng khác. Cũng như vậy, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết chính sách ưu tiên phải đúng đối tượng mới tạo động lực thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra mục đích của chính sách ưu tiên nhằm cân bằng phần nào thiệt thòi cho những ai không có điều kiện thuận lợi như số đông hoặc là phần thưởng cho người xuất sắc. Đây cũng là động lực để người được ưu tiên phấn đấu, thấy hãnh diện khi nhận được sự ưu tiên đó. Nhưng với chính sách ưu tiên trong tuyển sinh như hiện nay mục đích tốt đẹp này dường như không thể hiện.
Như vậy có một độ chênh rất lớn giữa khái niệm “ưu tiên” theo chuẩn thông thường và thực tế ưu tiên theo quy định của Bộ GD-ĐT bởi khá đông người đều có thể lọt vào diện ưu tiên.
Thùy Ngân
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 3: Lãng phí hệ cử tuyển
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 2: Ở đâu cũng thấy ưu tiên!
>> Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?
Bình luận (0)