Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? - Kỳ 3: Lãng phí hệ cử tuyển

17/07/2013 03:10 GMT+7

Bắt đầu áp dụng từ năm 2000, chính sách ưu tiên tuyển thẳng theo chế độ cử tuyển ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

13 năm chưa tốt nghiệp

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mỗi năm tiếp nhận từ 20 đến 40 sinh viên (SV) diện này. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên nhà trường, cho biết: “Chương trình học cử tuyển không khác với chương trình đại trà nhưng việc thi và kiểm tra thì “mềm” hơn. Dù vậy, số lượng SV cử tuyển có thể tốt nghiệp đúng thời hạn chỉ khoảng 20 - 30%. Rất nhiều SV phải học tiếp các học kỳ, thậm chí 10 năm mới có thể ra trường”.

Mỗi năm trung bình trên dưới 10 SV hệ cử tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cũng như các trường khác, SV hệ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc học và thường phải kéo dài thêm nhiều năm. Tình cảnh tương tự diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi không quá 50% SV cử tuyển có thể tốt nghiệp đúng hệ đào tạo. Số còn lại, trường cho SV chuyển sang hệ vừa làm vừa học để có thể tốt nghiệp ra trường.

Nhiều SV cử tuyển còn không thể tốt nghiệp. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: “Năm 2012, trường nhận khoảng 10 SV cử tuyển, 100 SV dự bị ĐH. Số liệu nhiều năm cho thấy, chỉ khoảng 60% các SV diện này tốt nghiệp đúng thời hạn, nhiều SV phải học tới 6 đến 7 năm mới ra trường, thậm chí không ít SV diện này không thể tốt nghiệp”.

 

Đào tạo SV cử tuyển chất lượng thấp là làm sai chính sách của nhà nước và làm hại cho công việc, cho đồng bào

GS Nguyễn Minh Thuyết

Cá biệt có trường hợp một SV cử tuyển của tỉnh Cà Mau được cử đi học tại Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội từ năm 2000, đến năm 2008 SV này vẫn chỉ học năm nhất. Mãi đến năm 2013 người này mới là SV năm thứ 5. Như vậy, trải qua 13 năm, SV này vẫn chưa thể tốt nghiệp.

Đầu vào quá thấp, không thể có đầu ra chất lượng

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cử tuyển là một hình thức đào tạo theo địa chỉ, cụ thể là theo đơn đặt hàng của các địa phương. Việc đào tạo các SV này thành nhà chuyên môn có ý nghĩa rất quan trọng. Đơn cử, một bác sĩ hoặc người vận động chính sách là người dân tộc thiểu số, hiểu ngôn ngữ, phong tục của đồng bào sẽ có ảnh hưởng đối với đồng bào tốt hơn người không biết tiếng dân tộc nhiều. Nhưng chính sách cử tuyển phải đi đôi với chính sách đảm bảo chất lượng đào tạo. “SV học yếu phải được bổ túc thêm, thậm chí tổ chức thêm một năm học nữa để các em đủ trình độ theo kịp chương trình, làm sao để chất lượng đào tạo đầu ra đúng chuẩn. Đào tạo SV cử tuyển chất lượng thấp là làm sai chính sách của nhà nước và làm hại cho công việc, cho đồng bào”, ông Thuyết khẳng định.

Đại diện các trường đều cho rằng, ưu tiên cho học sinh vùng khó khăn là đúng nhưng vấn đề còn nằm ở cách thực hiện.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm cho rằng: “Diện cử tuyển và dự bị ĐH cần có quy định ngành nghề và trình độ đào tạo cụ thể. Chẳng hạn ngành y và sư phạm cần phải có quy định về học lực để đáp ứng yêu cầu của ngành học. Nếu đầu vào quá thấp thì không thể có đầu ra cao được”. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing, có ý kiến: “SV diện cử tuyển cần được quy định ngành nghề nào thì học ở trình độ và trường nào. Đồng thời, nếu học lực không cao thì cũng không nhất thiết phải học bậc ĐH, thay vào đó có thể học CĐ hoặc TCCN”.

 
Học sinh các tỉnh vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thuộc đối tượng cử tuyển. Trong ảnh: Học sinh huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước tham gia tư vấn tuyển sinh của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không có việc làm khi ra trường

Chế độ cử tuyển nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ trên. Tuy nhiên, SV diện này không phải lúc nào cũng có việc làm sau khi ra trường.

Ông Lê Quang Hảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các huyện có trách nhiệm bố trí công việc cho các SV này. Sáu tháng sau khi tốt nghiệp, nếu huyện không bố trí được việc làm, SV được quyền tìm việc làm khác”. Cũng theo ông Hảo, hầu hết các trường hợp cử tuyển đều được phân công công việc hợp lý. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng SV không muốn làm công việc huyện bố trí mà muốn làm việc ở thành phố trực thuộc tỉnh. Cũng có trường hợp, SV do huyện cử đi nhưng về huyện không bố trí công việc được, khi đó tỉnh sẽ phân bổ sang huyện khác. Có khi, SV do huyện cử đi nhưng tốt nghiệp những ngành mà huyện khó bố trí công việc phù hợp…

Qua giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đến tháng 7.2013, tỉnh mới chỉ tiếp nhận, bố trí công tác 44/552 SV cử tuyển tốt nghiệp. Huyện Ea Kar, Ea H’Leo, mỗi địa phương cũng chỉ mới tiếp nhận, bố trí được 3 SV hệ cử tuyển tốt nghiệp.

Theo số liệu của Thông tấn xã Việt Nam, toàn tỉnh Kon Tum hiện còn 173 SV hệ cử tuyển và 231 SV người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng chưa được bố trí việc làm. Tỷ lệ SV cử tuyển tốt nghiệp và có việc làm đạt tỷ lệ 60%.

Số liệu từ văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy trong 10 năm (2000 - 2010), tỉnh đã chi hàng chục tỉ đồng, chọn cử 1.917 người theo học hệ cử tuyển tại các trường ĐH, CĐ. Số SV đã tốt nghiệp là 1.259 (đạt 65,9%) nhưng số SV được bố trí công tác ở các địa phương chỉ 534 người (42,41%). Cá biệt, có địa phương tỷ lệ SV cử tuyển ra trường được bố trí việc làm chỉ hơn 10%.

Theo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hòa Bình, từ năm 2005 - 2012, tỉnh chi trên 15 tỉ đồng cho công tác cử tuyển. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số SV cử tuyển có việc làm ngay tại địa phương rất thấp. Nguyên nhân do từ năm 2009 trở về trước, tỉnh chưa có chính sách cụ thể đối với việc sử dụng SV cử tuyển, phần nữa do nhu cầu sử dụng lao động thay đổi, việc sử dụng lao động và việc cử người đi học chưa phù hợp. SV một số ngành học không trở về địa phương công tác, và không muốn về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trước sự lãng phí rất lớn này mà trong báo cáo: “Về những bất hợp lý cần khắc phục trong chính sách giáo dục, đào tạo và đề xuất chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2020” ngày 19.7.2012, ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đã đưa ra đề xuất để thực hiện chủ trương cử tuyển hiệu quả. Ông Giàng Seo Phử đề nghị: “Chính phủ giao cho một cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện chính sách cử tuyển, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp về giao chỉ tiêu, chi trả kinh phí cho các cơ sở đào tạo, theo dõi, quản lý SV trong thời gian học tập, phối hợp với các cơ quan chức năng trong bố trí việc làm sau khi ra trường”.

Bãi bỏ cộng điểm thi cho bà mẹ VN anh hùng

Ngày 16.7, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 28 bãi bỏ 3 đối tượng ưu tiên cộng 2 điểm thi ĐH, CĐ trong Thông tư 24 ban hành ngày 4.7. Các đối tượng gồm bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Bộ GD-ĐT nêu rõ: Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30.8. 2013.

Như vậy, sau 12 ngày công bố Thông tư 24/2013/TT-BGDĐT (quy định về việc bổ sung đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ), trước sức ép dư luận cho rằng những đối tượng ưu tiên trên là phi thực tế, Bộ GD-ĐT đã quyết định bãi bỏ ưu tiên với những đối tượng này.

Trước nhiều ý kiến tranh luận về các đối tượng ưu tiên trong Thông tư 24, Báo Thanh Niên tổ chức diễn đàn Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? với mong muốn nhìn nhận, đánh giá những bất hợp lý trong chính sách ưu tiên tuyển sinh hiện hành. Loạt bài còn nhiều số liệu, thông tin bất ngờ sẽ giúp những nhà làm chính sách có những điều chỉnh khoa học, hợp lý.

T.Nguyễn - H.A

Đăng Nguyên - Hà Ánh

>> Giáo dục đại học theo chương trình khai phóng
>> Hoàn thiện hệ thống giáo dục chất lượng cao
>> Ngừng mở ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên
>> Hà Nội tuyển dụng 7.750 viên chức giáo dục
>> Trung tâm giáo dục quốc phòng ĐH Cần Thơ sắp hoàn thành
>> Đề nghị duy trì trường bồi dưỡng giáo dục quận, huyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.