(TNO) Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra báo cáo “Tình hình kinh tế 8 tháng và tháng 8 năm 2014” với nhận định kinh tế trong nước duy trì đà hồi phục tương đối tốt với đà tăng trưởng và sản xuất tiếp tục xu hướng cải thiện đáng kể từ quý 3/2013.
Tuy nhiên tổng cầu của nền kinh tế, nhất là đầu tư còn thấp. Tổng cầu thấp cùng với chi phí sản xuất cao khiến cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp tư nhân, ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo tính toán của UBGSTCQG, lạm phát cơ bản trong tháng 8 đứng ở mức 3,34%, thấp hơn mức lạm phát tổng thể là 4,31% và thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%.
Tổng cầu thấp đối với cả tiêu dùng và đầu tư. Đối với tiêu dùng, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013 nhưng mức cải thiện không lớn. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2014 tăng 4,8%, thấp hơn so với mức 13,7% của cùng kỳ năm trước.
|
UBGSTCQG cho rằng tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng 5,8% của Chính phủ, và cảnh báo nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng của năm 2014 sẽ chỉ đạt 5,6-5,7%.
Doanh nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm
Tổng cầu thấp khiến doanh nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2014 giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí đầu vào tăng nhanh khiến doanh nghiệp khó giảm giá bán để giải quyết khâu tiêu thụ. Khó khăn của các doanh nghiệp được phản ánh qua mức thu nội địa, trong đó kết quả 8 tháng đầu năm có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013 (22,4% so với 11,5%) nhưng chủ yếu nhờ tăng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh đã tăng thấp hơn đáng kể so với với cùng kỳ năm 2013 (6,8% so với 18,4%).
Khó khăn của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm và đầu tư tư nhân thấp. Tín dụng tăng trưởng thấp. Theo tính toán của UBGSTCQG, dư nợ bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,52%.
Chênh lệch lãi suất (NIM) toàn ngành giảm đã khiến lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống giảm so với cùng kỳ năm 2013, ảnh hưởng đến khả năng trích lập dự phòng rủi ro.
Thanh Xuân
>> TP.HCM: Tổng cầu của nền kinh tế chưa tăng
>> Không tăng tổng cầu trong nền kinh tế
Bình luận (0)