Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo vệ giống nòi

22/05/2024 10:37 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và tuổi thọ của giống nòi.

Theo chương trình, chiều nay 22.5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong số này là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

HOÀNG TUÂN

Lo ngại nồng độ cồn nội sinh, có thể xét nghiệm máu

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo luật về việc cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Nội dung trên không phải là mới, mà được kế thừa quy định tại luật Giao thông đường bộ năm 2008 và luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ giúp giảm tai nạn giao thông, giảm rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo vệ giống nòi

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả cho thấy, trong năm 2023, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25%, số người chết 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã phát huy kết quả tốt, ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Riêng lo ngại về nồng độ cồn nội sinh, đến nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện cũng rất hiếm. Người dân có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu, nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo vệ giống nòi- Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7

GIA HÂN

Khó làm chủ bản thân nếu quy định ngưỡng nồng độ cồn

Quá trình xây dựng luật, một số ý kiến đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Nhóm ý kiến này nhận định, với nồng độ cồn thấp, người điều khiển phương tiện vẫn có khả năng làm chủ hành vi. Hơn nữa, trong thực tế, nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài (khoảng 12 giờ hoặc qua đêm) mà vẫn còn nồng độ cồn.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

Nếu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngược lại, nếu quy định có ngưỡng thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi bị ép uống, khó làm chủ bản thân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế 2 phương án (cấm tuyệt đối nồng độ cồn và có ngưỡng nhất định - PV) để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và nhóm ý kiến trên, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế

Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định hiện hành về cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam vẫn đang ở mức cao.

Tổng quan ngành bia Việt Nam đầu năm 2023 cho thấy, mức tiêu thụ bia tính đến năm 2022 của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới, đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Tương tự, tổng quan ngành rượu Việt Nam nửa đầu năm 2023 cho thấy, ngành rượu cũng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các ngành hàng như du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, tạo công ăn việc làm trực tiếp và cả gián tiếp cho nhiều người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.