Ủy ban Tư pháp đề nghị không đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện

25/03/2024 15:51 GMT+7

Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên tên gọi tòa án cấp tỉnh và huyện như hiện nay, thay vì đổi thành TAND phúc thẩm và sơ thẩm theo đề xuất của TAND tối cao.

Theo chương trình dự kiến, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28.3. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với một số dự án luật, trong đó có luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Ủy ban Tư pháp đề nghị không đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện- Ảnh 1.

Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và huyện như hiện nay

TUYẾN PHAN

Đề nghị không đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện

Quá trình xây dựng luật, TAND tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo) đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Theo TAND tối cao, cách thức tổ chức và tên gọi của tòa án như hiện nay chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn với địa giới hành chính. Một số địa phương, UBND thường xuyên gửi văn bản yêu cầu tòa án báo cáo, phối hợp. Điều này không đúng với địa vị pháp lý của tòa án, nhất là trong các vụ án hành chính, khi một bên là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.

Việc đổi mới TAND cấp tỉnh và cấp huyện là cần thiết, nhằm thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" đã được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành T.Ư.

Tuy nhiên, tại báo cáo gửi trước hội nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc đổi tên TAND tỉnh và huyện nhưng nhiệm vụ, quyền hạn lại không thay đổi. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Quy định như dự thảo luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27 về "khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính", "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử", không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương.

Việc thay đổi như trên cũng sẽ phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ như: sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ...

Vì vậy, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện", Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của luật hiện hành.

Ủy ban Tư pháp đề nghị không đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện- Ảnh 2.

Hiện dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi đang xây dựng 2 phương án về tên gọi của TAND cấp tỉnh và huyện

TUYẾN PHAN

2 phương án để lấy ý kiến

Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, dù nhiều ý kiến không đồng tình việc đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện, nhưng khi tiếp thu và chỉnh lý, TAND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm và đề xuất như đã nêu.

Do đó, dự thảo luật được xây dựng 2 phương án để trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến.

Phương án 1 là giữ nguyên tên TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện như quy định tại luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực.

Phương án 2 là đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Thanh Niên từng trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý về việc có nên đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện hay không. Đa số các ý kiến đồng quan điểm với nhận định của Thường trực Ủy ban Tư pháp, rằng chưa cần đổi.

Có ý kiến cho rằng độc lập xét xử hay không đều không phụ thuộc vào tên gọi mà nằm ở nội lực, chất lượng hoạt động của tòa. Để bảo đảm tính độc lập, cần có cơ chế ngăn chặn sự tác động từ các cơ quan, yếu tố khác đến tòa án.

Các bản án mà tòa đã tuyên, nhất là án hành chính, phải được thi hành nghiêm túc, xử lý nghiêm tình trạng "chây ỳ, ngó lơ"; đồng thời thực hiện cơ chế truy cứu trách nhiệm những người can thiệp hoặc không thi hành bản án.

Ý kiến khác thì nói sự quyết định đến tính độc lập xét xử của tòa án không phải là tên gọi mà nằm ở ứng xử của TAND cấp trên và chính quyền địa phương đối với hội đồng xét xử nói riêng, tòa án nơi xét xử vụ án nói chung.

Có 2 khía cạnh của độc lập xét xử. Thứ nhất là mối quan hệ chiều dọc "cấp trên - cấp dưới", thứ hai là mối quan hệ chiều ngang, tức là với chính quyền địa phương. Độc lập nghĩa là không có bất cứ tác động gì đến từ cả hai phía.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.