Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thăm ĐH Duy Tân

14/04/2017 15:46 GMT+7

Đoàn Công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH) đã đến thăm và làm việc với ĐH Duy Tân vào chiều ngày 11.4.2017.

Khi ranh giới “công - tư” đang dần được thu hẹp, thì việc định hình một mô hình đại học (ĐH) chuẩn mực, hài hòa các yếu tố để đảm bảo đào tạo ra những sản phẩm lao động có chuyên môn và kỹ năng bắt kịp với nhu cầu của khu vực và thế giới ngày càng trở thành một bài toán cấp thiết cho giáo dục Việt Nam.

Nhằm đóng góp vào việc sửa đổi Luật Giáo dục ĐH được ban hành cách đây 5 năm, hiện đã có nhiều điểm bất cập so với thực trạng giáo dục ngày nay; đồng thời, để tìm ra một hướng đi mới cho giáo dục ĐH trên cơ sở tìm hiểu các mô hình trường ĐH đang “vận hành” thành công, Đoàn Công tác của Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH đã đến thăm và làm việc với ĐH Duy Tân vào chiều ngày 11.4.2017.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân cùng các cán bộ, giảng viên nhà trường đã đón tiếp Đoàn công tác là các lãnh đạo của trung ương và địa phương như: Đ/c Phan Thanh Bình - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH; Đ/c Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH, Trưởng đoàn; Đ/c Nguyễn Thanh Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng; Đ/c Phạm Tấn Xử - Trưởng ban VHXH - HĐND TP.Đà Nẵng cùng nhiều đồng chí thuộc Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH, Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng.

Lựa chọn ĐH Duy Tân là một trong 20 trường được khảo sát dịp này (bao gồm 16 trường công lập và 4 trường ngoài công lập), Đoàn công tác đã ghi nhận quá trình phát triển nhanh chóng mà hiệu quả của nhà trường trong quá trình hơn 22 năm qua. TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân trong bản báo cáo khái quát đã nêu ra những điểm mạnh đáng trân trọng mà không dễ gì một trường ĐH tư thục có thể đạt được trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Theo đó, ĐH Duy Tân từ việc chỉ đào tạo 6 ngành ĐH và 2 ngành cao đẳng (CĐ) những năm đầu thành lập thì hiện đã đào tạo 21 ngành với 43 chuyên ngành ĐH và 16 chuyên ngành CĐ, bên cạnh thêm 2 ngành đào tạo bậc tiến sĩ và 4 ngành bậc thạc sĩ. Trong đó có 10 chương trình tiên tiến và quốc tế qua chuyển giao từ các ĐH danh tiếng của Mỹ như ĐH Carnegie Mellon (CMU) - 1 trong 4 ĐH hàng đầu về Công nghệ Thông tin ở Mỹ (theo U.S. News 2017), ĐH Bang Pennsylvania (PSU) - 1 trong 5 ĐH hàng đầu thế giới về Quản trị - Du lịch cũng như 1 trong 5 ĐH công lập lớn nhất Mỹ, và ĐH Bang California ở Fullerton và Cal Poly, San Luis Obispo (CSU - CalState) - những trường hàng đầu bờ Tây nước Mỹ về Xây dựng và Kiến trúc.

Không dừng lại ở công tác đào tạo, trong những năm gần đây, ĐH Duy Tân đang nổi lên là một điểm sáng trong nghiên cứu khoa học với 486 công bố quốc tế trên các tạp chí ISIScopus, tính đến thời điểm này. Sinh viên của nhà trường cũng đã đạt được 19 giải quốc tế và 286 giải trong nước mà nổi bật là Cúp Vô địch CDIO Academy 2013 tại ĐH Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Vô địch Cup IDEERS châu Á - Thái Bình Dương trong Cuộc thi “Thiết kế mô hình nhà chống động đất” 2014 tại Đài Loan, Vô địch Việt Nam và Á quân khu vực Đông Á trong kỳ thi Go Green in the City 2016, xếp thứ nhì trong các đội An ninh Mạng của Việt Nam theo CTFtime 2016,…

Đoàn công tác của Ủy ban VHGD TTN (ảnh trên) và cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân (ảnh dưới) tại buổi gặp gỡ
Đoàn công tác của Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH (ảnh trên) và cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân (ảnh dưới) tại buổi gặp gỡ

Sự phát triển lớn mạnh của ĐH Duy Tân trong thời gian qua có được một phần do hỗ trợ của rất nhiều các cơ quan đoàn thể từ trung ương đến địa phương, nhưng không phải vì vậy mà không có những thách thức khác. Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ từng nhận định: “Ngoài những chiến lược, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn được chuẩn bị một cách chu đáo, ĐH Duy Tân phát triển được như ngày nay là nhờ sự nhạy bén và ứng biến tốt trước mọi yêu cầu, mọi thay đổi xuất phát từ sự phát triển kinh tế nhanh của đất nước, nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa… Mỗi thành viên của ĐH Duy Tân đều rất trăn trở không phải chỉ riêng cho công tác đào tạo tại ĐH Duy Tân mà còn vì một nền giáo dục phát triển của đất nước Việt Nam. Đây cũng chính là con đường tìm đến các lời giải để xây nên một mô hình ĐH chuẩn mực cần tìm”.

TS Nguyễn Tấn Thắng - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân đã đặt ra nhiều câu hỏi thiết thực về hướng phát triển trong thời gian tới của nhà trường: “Để được lọt vào Top 300 ĐH tốt nhất châu Á, các trường ĐH đó đều phải hội tụ được nhiều điều kiện, trong đó có tỷ lệ giảng viên - sinh viên nước ngoài trên giảng viên - sinh viên bản địa, số lượng trích dẫn nghiên cứu khoa học cũng như phải có nhiều hợp tác đào tạo với các ĐH danh tiếng thế giới,... Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn còn đang đứng trước rất nhiều bất cập. Ví như việc dự báo nhu cầu và chuẩn bị kế hoạch đào tạo chưa kết nối được cùng nhau, sinh viên học liên tục trong 4, 5 năm nhưng lúc nào cũng lo lắng không biết khi tốt nghiệp ra trường thì ngành học của mình có còn được “chuộng” hay không? Ngay việc bằng cấp của Việt Nam được công nhận như thế nào trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu chính xác. Thời gian qua, ĐH Duy Tân đã đưa ra khẩu hiệu hành động “Tất cả vì quyền lợi việc làm và khởi nghiệp của sinh viên” nhưng vấn đề khởi nghiệp vẫn mang tính hô hào, chưa có bề sâu khi triển khai để đạt hiệu quả cao nhất”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh - Phó hiệu trưởng phụ trách khối Y Dược, ĐH Duy Tân thực sự quan tâm đến vấn đề y đức: “Đào tạo một sinh viên ra trường có tay nghề giỏi phải song hành với việc mang đến cho xã hội một công dân có tấm lòng, có tính thiện và nhân văn. Xã hội không thể phát triển khi con người ngày càng không có tình yêu thương và cảm thông, chia sẻ cho nhau trong cuộc sống, công việc. Đây là vấn đề mà đôi khi các trường ĐH bỏ quên trong khi đó lại là chất xúc tác chính để đi đến thành công trong công việc và cuộc sống”.

Vấn đề về sự thiếu công bằng trong việc “rót” kinh phí hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường công và trường tư vẫn luôn là một đề tài nóng trong các cuộc gặp gỡ gần đây giữa các ĐH ngoài công lập với các đơn vị quản lý hành chính Nhà nước. Cùng có nhiệm vụ đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xã hội, các trường ngoài công lập buộc phải đặt mình trong thế… tự chủ. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng ĐH Duy Tân trên tinh thần muốn góp phần nâng cao dân trí cho một dải đất miền Trung nghèo, người dân cả đời bươn trải cùng nắng gió nên không thể thu học phí cao. Hiện nay, các trường ĐH ngoài công lập xây dựng cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế, nhập khẩu chương trình đào tạo, phần lớn đều phải dựa vào nguồn thu từ học phí. Như vậy, nếu không có sự đối xử công bằng, dù chỉ là công bằng mang tính… tương đối giữa trường công - trường tư thì quả thực đã đặt các trường ngoài công lập vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường ngoài công lập phải đóng cửa khi không thể tuyển được sinh viên hiện nay”.

Cùng quan điểm đó, GS-TSKH Vũ Xuân Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao, ĐH Duy Tân cho biết: “Nếu xét về năng lực và các thiết bị phục vụ nghiên cứu thì tôi chắc chắn ĐH Duy Tân đảm bảo đã trang bị đủ để triển khai được nhiều nghiên cứu chất lượng. Hiện tại, các nhà khoa học ĐH Duy Tân đã và đang triển khai 20 đề tài Nafosted cùng nhiều các nghiên cứu do nước ngoài tài trợ, các đề tài cấp bộ, tỉnh, thành phố và phần lớn đều được nghiệm thu rất tốt. Vậy nhưng, các trường ngoài công lập trong đó có ĐH Duy Tân dường như lại có rất ít cơ hội để tiếp cận với các đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước” .

Lắng nghe các ý kiến của cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân, Đ/c Phan Thanh Bình chia sẻ: “Cách đây 20 năm, chúng ta chắc chắn không thể hình dung ra sự phát triển nhanh ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề của đất nước như hiện nay. Do đó, riêng trong lĩnh vực giáo dục tuy có những việc đã hoàn thiện nhưng cũng có những việc chưa thực sự như mong muốn. Đặc biệt, trước xu thế toàn cầu hóa thì chỉ riêng việc cạnh tranh việc làm trong tổng số 500 triệu dân toàn khối ASEAN cũng đã là vấn đề phải bàn một cách nghiêm túc. Một doanh nghiệp Việt Nam khi tuyển dụng sẽ không ngại ngần lựa chọn nhân lực đến từ Singapore, Myanmar nếu như các cử nhân bản địa không giỏi để đáp ứng nhu cầu về công việc. Do đó, đánh giá nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội cũng chính là đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Có thể nhận thấy, một số trường ĐH ngoài công lập đã tạo dựng được chỗ đứng của mình trong hệ thống giáo dục, trong đó có ĐH Duy Tân. Sự lớn mạnh của các trường ngoài công lập đã gợi mở những mô hình quản trị ĐH hiệu quả để Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH tham khảo. Năm 2018, Quốc hội dự kiến sẽ sửa Luật Giáo dục ĐH. Và chính việc khảo sát khoảng 20 mô hình ĐH tiêu biểu trong dịp này sẽ giúp Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ QH đưa ra các ý kiến sát thực nhất cho Luật Giáo dục ĐH mới. Thuộc tính của trường ĐH là tự chủ. Chính tự chủ sẽ giúp tạo nên những mô hình quản trị chất lượng, tạo ra một môi trường học thuật dân chủ, giúp cán bộ, giảng viên và sinh viên có cảm hứng thăng hoa và sáng tạo để đào tạo thực sự đạt hiệu quả cao”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.