Các hệ thống vũ khí tối tân vừa được Nga triển khai đến Syria có thể làm đảo lộn mọi tính toán quân sự trong khu vực.
Sức mạnh của tuần dương hạm Moskva - Ảnh: The Aviationist |
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngày 24.11, Moscow đã phản ứng bằng cách triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 đến Syria, đồng thời điều tàu tuần dương Moskva áp sát bờ biển tỉnh Latakia để yểm trợ cho các sứ mệnh không kích.
Đây là những vũ khí được đánh giá sẽ làm thay đổi cuộc chơi ở Syria.
Thượng phương bảo kiếm
Được phát triển từ thập niên 1980 để đối phó chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, hay còn gọi là chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, hệ thống S-400 đã được cải tiến nhiều đến nỗi ngày nay người ta vẫn còn mơ hồ về các thông số cơ bản của nó. Trong quá trình phát triển, S-400 được gọi là S-300PMU3, thể hiện rằng nó là phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng S-300. Theo trang IHS Jane’s, đây có thể là lý do dẫn đến sự nhầm lẫn của giới chức Nga khi thông báo triển khai hệ thống phòng không đến Syria ngày 25.11. Khi đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ triển khai hệ thống S-300 trong khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết đó là tổ hợp S-400.
Được NATO định danh SA-21 “Growler”, hệ thống S-400 có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không trong phạm vi 400 km ở độ cao từ vài mét đến hàng chục ki lô mét. Đây là hệ thống phòng thủ 3 tầng, với 3 loại tên lửa siêu xa 40N6 (400 km), tầm xa 48N6 (250 km) và tầm trung 9M96E2 (120 km). Theo nhà sản xuất Almaz-Antey, tổ hợp S-400 có khả năng theo dõi cùng lúc 300 mục tiêu trong phạm vi 600 km, cũng như bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu. Với các mục tiêu như máy bay và tên lửa hành trình, S-400 có thể bắn hạ trong phạm vi 400 km ở độ cao lên đến 27 km. Với tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ 4,8 km/giây, hệ thống này có thể tiêu diệt ở phạm vi 60 km. Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy.
Việc Nga triển khai S-400 đến Latakia được đánh giá sẽ làm phức tạp đáng kể các hoạt động không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Theo trang The Aviationist, với sự có mặt của S-400, chỉ có các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ như F-22 và B-2 mới có thể hoạt động an toàn trong khu vực loại vũ khí này khống chế (theo truyền thông Nga, S-400 thậm chí có thể “xử lý” máy bay tàng hình. Đài RT còn khoe rằng mục tiêu duy nhất mà S-400 phải “bó tay” là đầu đạn hạt nhân của tên lửa đạn đạo liên lục địa bay với tốc độ 6 - 7 km/giây).
Với bán kính tác chiến 400 km, S-400 trên lý thuyết có thể giám sát phần lớn không phận của Syria, Li Băng, đảo Cyprus, phân nửa Thổ Nhĩ Kỳ cùng một phần Iraq, Jordan và cả Israel. Hiện chưa rõ hệ thống S-400 được triển khai đến căn cứ không quân Hmeymim ở Syria có sử dụng loại tên lửa siêu xa 40N6 hay không, nhưng có một điều không phải bàn cãi là không phận phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ đã nằm trong tầm giám sát của Nga bởi căn cứ này chỉ cách biên giới 50 km. Từ nay, các chiến đấu cơ của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ phải “báo cáo” Nga nếu muốn hoạt động trong phạm vi bảo vệ của S-400.
Theo Đài RT, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng các sứ mệnh không kích ở Syria kể từ thời điểm S-400 được triển khai vào ngày 26.11. Tuy nhiên, một người phát ngôn của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu khẳng định việc ngừng không kích không liên quan gì đến S-400.
Maher Ihsan, một nhà bình luận chính trị Syria, nói với Tân Hoa xã rằng việc triển khai S-400 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và NATO suy nghĩ kỹ càng trước khi làm “vị khách không mời” ở Syria. “Sự hiện diện của hệ thống phòng thủ uy lực như vậy là mong ước lâu nay của Syria nhằm loại bỏ mối đe dọa xâm lược trên không từ Israel hoặc Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ihsan nói.
Pháo đài di động
Ngoài S-400, vùng trời ở khu vực biên giới với Syria - Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn được giám sát bởi một “thần giữ cửa” khác là tuần dương hạm tên lửa Moskva. Với độ choán nước 11.500 tấn, dài 186 m, tàu chiến lớp Slava là hệ thống phòng không và tác chiến trên biển cực kỳ lợi hại.
Soái hạm của Hạm đội biển Đen được trang bị phiên bản hải quân của hệ thống phòng không S-300 là S-300F Fort, có thể xử lý khoảng nửa tá mục tiêu cùng lúc. Hệ thống này có tầm bắn 90 km ở độ cao lên đến 25 km.
Ngoài 64 tên lửa phòng không thuộc hệ thống S-300F Fort, tàu Moskva còn sở hữu 16 tên lửa chống hạm P-1000 Vulkan, tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-M, radar 3D, radar vượt đường chân trời (OTH). Vì thế, nó được ví như là pháo đài nổi của hải quân Nga.
Được hộ tống bởi hai tàu hộ vệ lớp Krivak - Ladny và Pytlivy - cùng tàu khu trục lớp Kashin - Smetlivy, tàu Moskva đã hoạt động ở Địa Trung Hải từ nhiều tuần nay để yểm trợ sứ mệnh không kích của không quân Nga.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24, tàu Moskva được lệnh áp sát bờ biển Latakia để bảo vệ các sứ mệnh không kích khu vực biên giới. Trước đó, đội tàu này cũng được Tổng thống Putin chỉ đạo phải phối hợp với lực lượng hải quân Pháp ở Địa Trung Hải “như những đồng minh” trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Hệ thống tác chiến điện tử
Theo trang The National Interest, Nga được cho là đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử tối tân Krasukha-4 đến Syria. Đây là tổ hợp gây nhiễu đa nhiệm dải tần rộng có thể làm tê liệt các radar trên mặt đất và radar cảnh báo sớm trên không hoặc vệ tinh ở quỹ đạo thấp; gây ra hư hỏng vĩnh viễn với các thiết bị vô tuyến điện tử bị nhắm đến.
Với tầm hoạt động 300 km, Krasukha-4 có thể “làm mù” các máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, tên lửa dẫn đường...
Cũng như S-400, Krasukha-4 được xếp vào dạng “vô đối” so với phương Tây.
|
Bình luận (0)