V-League lên giá nhờ hiệu ứng U.23 Việt Nam

01/02/2018 08:11 GMT+7

Chiến tích vang dội của đội U.23 Việt Nam (VN) tại giải U.23 châu Á đúng vào bối cảnh Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đang tìm kiếm nguồn lực tài chính cho mùa giải mới 2018.

Hiệu ứng tốt đẹp từ đội bóng trẻ có giúp ích được gì cho VPF trong việc mang bán “món hàng” V-League? Câu trả lời từ ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF, là “có”.
Thưa ông, không thành công rực rỡ như U.23 VN nhưng với thành tích lọt vào tứ kết U.23 châu Á, U.23 Malaysia cũng giúp liên đoàn bóng đá nước này kiếm được bản hợp đồng “khủng” về bản quyền truyền hình với giá trị lên đến 25 triệu USD. Ông có “ngứa ngáy” về con số này?
Tôi đã đọc thông tin này trên báo chí. Đúng là bóng đá luôn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và nếu thành công dù ở cấp độ nào, từ tầm khu vực đến châu lục hay lớn hơn là tầm thế giới thì những người trực tiếp hoạt động bóng đá cũng sẽ được hưởng lợi. Tôi chúc mừng các bạn Malaysia đã có được một bản hợp đồng lớn đến vậy.
V-League lên giá nhờ hiệu ứng U.23 VN 1
Trần Anh Tú Chủ tịch HĐQT VPF Ảnh: Khả Hòa
Trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, ông cũng tiết lộ thông tin rằng “két sắt” của VPF tuy còn tiền nhưng không đủ để trang trải cho những công việc quan trọng. Đến thời điểm này và đặc biệt sau kỳ tích của đội U.23 VN, việc làm cho “két sắt” đầy lên có dễ dàng hơn không, thưa ông?
Như từng một vài lần chia sẻ với giới truyền thông, ngay khi tiếp quản công việc từ nhiệm kỳ 2, chúng tôi cũng đã nhận được một số lời đề nghị của các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Và những lời đề nghị này càng đến dồn dập hơn trong suốt quá trình thi đấu cực kỳ ấn tượng của đội U.23 VN. Và sau trận chung kết kịch tính, nghẹt thở, đội U.23 VN đã giành được tấm HCB quý giá, thì VPF càng bận bịu vì rất nhiều nơi đặt vấn đề.
Dù rất vui với thành tích của U.23, nhưng điều quan trọng là các nhà tài trợ nhìn thấy lợi ích kinh tế nếu đầu tư cho giải bóng đá hàng đầu của chúng ta, giải đấu có các cầu thủ U.23 thi đấu trong màu áo các CLB. Họ nhìn thấy lợi ích nếu bỏ ra một đồng sẽ thu về được những thứ gì. Bài toán kinh tế luôn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

tin liên quan

NutiFood trở thành nhà tài trợ chính của V-League 2018
Theo thông tin từ Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood đã ký hợp đồng ghi nhớ để trở thành nhà tài trợ chính của V-League trong 3 năm.
Chúng tôi sẽ tiến hành thương thảo để đạt quyền lợi tốt nhất cho VPF. Có doanh nghiệp đề nghị gói tài trợ có giá trị lớn, có doanh nghiệp đề nghị gói tài trợ có giá trị nhỏ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi còn cần thời gian để đàm phán. VPF cảm thấy rất mừng vì V-League lên giá chứ không rớt giá.
Nhưng bên cạnh niềm vui vẫn là nỗi lo. Liệu thành công của U.23 VN ngày hôm nay có được duy trì trong những năm tiếp theo? Nghĩa là sự thành công đó phải đạt “độ bền” chứ không phải là hiệu ứng mang tính tức thời, chỉ là đợt sóng, cao trào lên lại tắt ngay. Điều quan trọng là làm thế nào để bóng đá VN có thể mang tính bền vững. U.23 thi đấu tốt ở giải châu Á thì cần giữ gìn được phong độ đó ở ASIAD, đội tuyển VN cũng phải thi đấu tốt ở giải AFF Cup. Các đội tuyển khác cũng phải chung nhịp thành công mới tạo ra một bức tranh bóng đá đẹp khiến các nhà tài trợ tìm đến, ở lại lâu dài và chung thủy với V-League.
Nhắc lại vấn đề bản quyền truyền hình V-League. Từ nhiều năm nay, VPF hầu như thu được rất ít tiền dù đây là miếng bánh khá “màu mỡ”. Vậy mùa giải 2018 VPF có sự đột phá gì không khi còn có sự “giúp sức” từ hình ảnh rất đẹp là đội U.23 VN?
Thói quen của khán giả VN là luôn muốn xem bóng đá miễn phí trên truyền hình. Chúng tôi sẽ cố gắng dần dần thay đổi tư duy này. Dĩ nhiên muốn thay đổi được điều đó thì VPF phải cực kỳ nỗ lực trong việc đổi mới hình ảnh V-League. Nói một cách đơn giản thì muốn bán được sản phẩm với giá cao thì sản phẩm của anh phải rất chất lượng.
VPF sẽ phải tính toán để vừa đảm bảo quyền lợi của người hâm mộ - họ sẽ được thưởng thức bóng đá đỉnh cao, vừa đảm bảo quyền lợi của chính VPF. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây đã “bỏ nhỏ” với tôi: “Tú ơi, VPF cố gắng bán được bản quyền truyền hình nhé”. Hiện đã có đơn vị đồng ý mua bản quyền truyền hình một số trận của V-League 2018. Bán thu tiền chứ không phải dạng “hàng đổi hàng” như những mùa trước. Chúng tôi sẽ phải đàm phán rất chi tiết, rất cụ thể, đó là những trận đấu nào. Số trận còn lại sẽ bán tiếp ra sao. Tất cả các bên đều phải có lợi, trên cơ sở vì bóng đá VN.
VFF và VPF sẽ có nguồn thu tốt hơn
Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá VN, nói: “Cộng tất cả các nguồn thu khác nhau vào khoảng 110 tỉ đồng/năm, VFF mới chỉ đảm bảo được 80% kinh phí cho hoạt động. Do đó, từ cú hích mang tên U.23 VN tại giải U.23 châu Á, chúng tôi thực sự mong muốn và hy vọng, sự quan tâm của xã hội đối với bóng đá được nâng lên một tầm cao mới. Khi các giá trị liên quan đến bóng đá được tăng lên, bao gồm giá trị thương quyền giải đấu, giá trị bản quyền truyền hình, giá trị hình ảnh các đội tuyển quốc gia thì đương nhiên các doanh nghiệp không thể thờ ơ. Bởi bóng đá là một trong những cách quảng bá hình ảnh doanh nghiệp sâu sắc nhất, rộng rãi nhất, hiệu quả nhất. Nhà tài trợ chung tay giúp cho bóng đá VN phát triển thì thông qua bóng đá, công chúng biết đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Chúng tôi tin tưởng, mối quan hệ tương tác đó sẽ giúp VFF và VPF có nguồn thu tốt hơn không chỉ trong năm tới”.
Nhật Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.