Đó là đánh giá của Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á của Sportradar, ông Biplav Gautam qua đó lần đầu tiên hé lộ tương đối chính xác về ‘giá trị’ khủng của thị trường cá cược đang tồn tại song song với V-League.
Ông Biplav Gautam đại diện Sportradar trong lễ ký kết hợp đồng với VPF - Ảnh: Bạch Dương
|
“Theo đo lường của chúng tôi, mỗi mùa V-League thu hút khoảng 54,6 triệu USD tiền cá cược, tương đương khoảng 1.200 tỉ đồng Việt Nam. Tính trung bình, mỗi trận đấu ở V-League sẽ kích thích 300.000 USD tiền cá cược, vào khoảng 6,6 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Sportradar, thì 40% số tiền đặt cược tại V-League được đưa ra trước trận đấu. 60% số tiền còn lại được người chơi đặt trong quá trình diễn ra trận đấu.
Những con số ngày chỉ ngày càng phát triển bởi V-League đã “lên mạng”, chính thức có mặt ở tất cả các trang web cá cược lớn nhất thế giới”, dẫn lời ông Biplav Gautam trong một buổi thuyết trình với các CLB V-League.
Ông Biplav Gautam cùng Phó TGĐ VPF Nguyễn Minh Ngọc trong một buổi thuyết trình ngăn ngừa cá cược với các CLB V-League - Ảnh: Quốc Việt
|
Hướng đến mùa giải 2016, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã hợp tác với Sportradar để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực tại các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam như V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia.
Theo tự giới thiệu của mình, Sportradar là công ty cung cấp dịch vụ an ninh hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp giải pháp cho các tổ chức thể thao gồm UEFA, AFC, AF, DFB… nhằm hỗ trợ trong cuộc chiến phòng chống, ngăn ngừa hành vi tiêu cực.
Và trong nỗ lực của mình, ông Biplav Gautam đã đi khắp Việt Nam, làm việc với từng đội bóng. Qua các bài thuyết trình sinh động bằng cả hình ảnh, clip… ông đã cố gắng truyền đạt đến cầu thủ, ban huấn luyện, lãnh đạo các CLB về mối nguy hại và rủi ro đem lại từ các hành vi tiếp tay với tiêu cực.
Thông qua Sportradar, VPF muốn kiên quyết ngăn ngừa tiêu cực trong bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương
|
Cũng ở các bài thuyết trình của mình, Sportradar đã lần đầu tiên trực tiếp vén lên những tấm màn bí ẩn của những kỹ xảo, con số khủng khiếp của cá cược.
Theo Sportradar, doanh thu từ cá cược tại Việt Nam lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nghe có vẻ ghê, nhưng nhìn ra thế giới thì chúng ta chỉ là “muỗi của muỗi”, trong tổng giá trị 500 tỉ USD mỗi năm của bóng đá thế giới.
Riêng trận chung kết World Cup 2014 giữa tuyển Đức và Argentina vừa qua, đã có 6,3 tỉ USD được các con bạc đổ vào. Trong hoàn cảnh đó, xu hướng 55% số tiền đến từ châu Á (so với 45% của những khu vực còn lại) đang gióng lên những mối nguy hại về tầm ảnh hưởng của bóng đá tiêu cực trong khu vực mà con số 500 trận đấu nghi ngờ mỗi năm chỉ là bề nổi của tảng băng.
“Qua FDS (Fraud Detection System), Sportradar theo dõi qua màn hình các chuyển động về tỷ lệ cá cược, xác định các hoạt động đáng ngờ và cung cấp tin tức tình báo, các dữ liệu định hướng và những đánh giá chính xác về các trận đấu cụ thể cho khách hàng.
Những dữ liệu này sẽ được sử dụng cho những quyết định kỷ luật trong thể thao, phục vụ công tác điều tra và truy tố tội phạm…”, dẫn lời ông Biplav Gautam, Giám đốc dịch vụ Sportradar khu vực châu Á. |
"Những xúc tua của vòi bạch tuộc cá cược là những ai? Hãy dẹp bỏ ấn tượng về những tay đầu gấu, xăm trổ đi. Đó sẽ là những người rất bảnh bao, đeo kính gọng vàng và sống hào hoa trong giới quý tộc và có thể thò tay xuyên quốc gia để tác động vào kết quả các trận đấu.
Họ ban đầu sẽ tiếp xúc, làm quen với bạn. Ban đầu là thăm hỏi nhau thông thường về sức khỏe, chấn thương, thẻ phạt... Sau đó là nhờ những việc khó hơn, và dần dà bạn đã rơi vào mạng nhện phức tạp của chúng lúc nào không hay.
Từ chỗ nhờ và, sẽ đến lừa lọc và thậm chí là ép buộc. Trong quá trình làm việc với AFC, thậm chí chúng tôi còn gặp trường hợp một cầu thủ kể rằng họ bị dí súng vào đầu bắt phải hợp tác dàn xếp tỷ số", ông Biplav Gautam cho biết.
|
Bình luận (0)