Nếu không muốn khán giả quay lưng với bóng đá nước nhà, V-League, giải đấu quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia do LĐBĐ VN (VFF) điều hành cần phải thay đổi triệt để.
Super Liga chưa phải là gốc
Ý kiến đề xuất của Chủ tịch CLB Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên về việc nên có giải đấu Super Liga bao gồm những CLB là doanh nghiệp tách ra từ V-League nhằm biểu thị thái độ phản ứng với VFF trong việc điều hành V-League. Trên thế giới, khi có những mâu thuẫn về quyền lợi hoặc bức xúc trước cách điều hành không thỏa đáng, nhiều CLB giàu tiền của thường đưa ra giải pháp như vậy để chứng tỏ cho những người có trách nhiệm thấy họ thừa sức làm nên những giải đấu hấp dẫn hơn. Như một số CLB ở Ý, Tây Ban Nha từng đưa ra ý tưởng này tại Champions League, hay gần sát với VN như bóng đá Indonesia cũng đã có giải đấu Super League. Tất cả cũng chỉ vì muốn làm cho bóng đá hay hơn, hấp dẫn và cống hiến hơn. Chính điều đó buộc những người tổ chức các giải đấu vốn có phải thay đổi một cách mạnh mẽ để thích ứng với xu thế của bóng đá đỉnh cao, nhằm vẫn duy trì được sự đoàn kết, tránh hiện tượng “ly khai”.
|
Đó mới chính là cái gốc của vấn đề bởi thực tế việc hình thành Super Liga ở VN sẽ khó khả thi. Trước hết, một giải đấu mới ra đời phải có một tổ chức đủ tư cách pháp nhân điều hành. Tổ chức đó không ai khác vẫn là VFF vì họ đã được Nhà nước công nhận là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được phép quản lý và điều hành mọi hoạt động liên quan đến bóng đá VN. Nếu các CLB tự tách ra, hình thành giải đấu riêng, thì về nguyên tắc sẽ không được cấp phép và cũng sẽ không thể tự tổ chức giải mà không có vai trò của VFF.
Bộ máy VFF không theo kịp sự tiến bộ của bóng đá nước nhà và sự phát triển của xã hội |
||
Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF |
||
V-League phải đổi mới
Trên thực tế, vấn đề mấu chốt hiện nay chính là, VFF phải xem lại công tác điều hành. Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, bày tỏ: “V-League, vốn là một “mặt trận” phức tạp nhất, nhưng mùa giải vừa qua lại để lại dư âm chưa tốt ở một số trận đấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả mùa giải. VFF cần phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi một số điều khoản của điều lệ, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Tổng cục TDTT sẽ cho phép sửa đổi sao cho các hoạt động của VFF tránh vấp phải những sự cố. VFF cần phải bàn lại thật nghiêm túc, kỹ lưỡng cơ cấu BTC giải mùa tới nên như thế nào? Ngoài ra, cũng cần tính toán cả những lĩnh vực quan trọng khác như trọng tài, ban kỷ luật sao cho có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhất”. Ngay Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng từng thừa nhận trên Báo Thanh Niên rằng: “Bộ máy VFF không theo kịp sự tiến bộ của bóng đá nước nhà và sự phát triển của xã hội”.
Thế nên, phát biểu đầy tâm huyết của bầu Kiên hay nhiều nhà chuyên môn khác cũng chỉ mong muốn bộ máy điều hành của VFF phải thay đổi mạnh mẽ từ việc chọn ra BTC đến thay đổi tư duy trong việc đánh giá trận đấu và xử lý một cách nghiêm túc. Tại sao 10 năm trước, Trưởng BTC giải Ngô Tử Hà chỉ với bằng chứng là hiện tượng thi đấu coi thường người xem đã xử rất nặng đội Công an Hà Nội thua 0-2 và trừ điểm khi “dàn xếp” với Công an Hải Phòng, còn bây giờ BTC giải lại không dám xử những trận có “mùi”? Hay vấn đề trọng tài (TT), việc phân công phải thật sự đặt cái tâm lên hàng đầu chứ không nên có những “chỉ đạo” chi phối, thao túng tạo ra những kịch bản có lợi cho đội này và “giết” đội khác. Việc xuất hiện thông tin đội bóng phải chung chi cho TT ở cuối mùa giải không loại trừ có TT dựa vào thế lực nào đó ở BTC giải. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đề nghị phải có sự chấn chỉnh, phải dứt khoát đoạn tuyệt với cái cũ trì trệ, kéo lùi chất lượng và tạo ra hình ảnh xấu thời gian qua thì bóng đá VN mới “sạch” được.
Lan Phương - Đăng Khoa
Bình luận (0)