V-League sắp có VAR, giá bản quyền truyền hình tăng cụ thể ra sao?

Trần Tuấn Anh
Trần Tuấn Anh
26/10/2022 14:22 GMT+7

Ước tính, mùa 2022 Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam VPF thu được 20 tỉ đồng tiền bán bản quyền truyền hình các trận đấu V-League, hạng nhất và Cúp quốc gia. Con số này có thể tăng gấp 3, tức 60 tỉ đồng trong mùa 2023.

Cụ thể, 5 năm 1 lần công ty VPF tiến hành chào bán bản quyền truyền hình các giải đấu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Năm 2017, VPF đã ký hợp đồng với một công ty truyền thông trong nước để khai thác bản quyền truyền hình của hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp gồm V-League, hạng nhất, Cúp quốc gia. Tuy 100% số lượng trận đấu được truyền hình trực tiếp, phát trên các kênh sóng và nền tảng internet khác nhau nhưng VPF lại không thu được tiền mặt, thay vào đó là quyền lợi quảng cáo ước tính từ 16-20 tỉ đồng/mùa.

Thời hạn của bản hợp đồng nói trên sẽ chấm dứt khi mùa giải 2022 khép lại và để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, VPF đã tiến hành thương thảo, từ đó đạt được thỏa thuận với Tập đoàn FPT. Bản quyền truyền hình của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được VPF bán cho FPT trong 5 mùa giải, kể từ 2023 đến hết mùa 2027. Hai đối tác sẽ hướng đến mục tiêu thu lợi nhuận từ bản quyền truyền hình để có nguồn doanh thu ổn định phục vụ công tác quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Thay vì đổi bằng quảng cáo, VPF thu về khoản tiền mặt ước tính ít nhất 60 tỉ đồng/mùa.

Bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia có thời gian kéo dài với số lượng trận lớn, thường là “con gà đẻ trứng vàng”, đem lại nguồn thu rất lớn cho ban tổ chức và CLB tham dự giải. Tuy nhiên tại Việt Nam, trước khi VPF ra đời năm 2011, mỗi năm, mỗi đội bóng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng từ tiền bản quyền. Khoảng 5 năm trở lại đây, số tiền được tăng lên khoảng vài trăm triệu đồng đến 1 tỉ đồng/mùa. Như vậy vẫn là quá ít so với tiềm năng của một giải đấu có độ hấp dẫn ngày càng cao. Nếu như mức tổng giá trị bản quyền truyền hình tăng lên 60 tỉ đồng/mùa, sau khi trừ các chi phí điều hành giải thì chắc chắn số tiền các CLB nhận được cũng sẽ tăng cao hơn mức 1 tỉ đồng/mùa nhiều lần. Đây có thể xem là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam về vấn đề bản quyền truyền hình ở các giải chuyên nghiệp trong nước.

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã cử các chuyên gia sang Việt Nam, đào tạo bước đầu về việc sử dụng công nghệ VAR. Việc lắp đặt thiết bị cho 7 trận ở mỗi vòng đấu V-League đòi hỏi chi phí lớn. Đó mới chỉ là phục vụ cho 14 CLB của V-League, chưa kể đến các đội ở giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Việc VPF tăng giá bán bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước được xem là thành công lớn. Ngoài việc tăng tiền hỗ trợ cho các CLB, công ty tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước sẽ có thêm khoản tài chính để đầu tư vào VAR. Có như vậy chất lượng phục vụ người hâm mộ mới tốt hơn, qua đó giá trị kinh tế của giải đấu cũng tăng lên trong tương lai.

Hiện tại VPF và FPT đã thống nhất các điều khoản tài chính, người hâm mộ chỉ còn chờ ngày hợp đồng được chính thức công bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.