Va chạm hạt nhân dưới lòng biển

17/02/2009 23:34 GMT+7

Vụ tàu ngầm hạt nhân của Pháp và Anh đụng nhau dưới lòng Đại Tây Dương vào đầu tháng 2 đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến các phương tiện hạt nhân quân sự.

Một cuộc điều tra đã được mở ra sau khi thông tin về hai tàu ngầm HMS Vanguard của Anh và Le Triomphant của Pháp đụng nhau hồi đầu tháng này đã được giới chức hai bên xác nhận hôm 15.2, theo báo The Times. Cả hai tàu đều bị hư hỏng nặng và phải quay về nước để sửa chữa.

Vanguard thì có nhiều vết lõm và vết trầy trên thân tàu trong khi Le Triomphant bị hư hỏng thiết bị định vị gắn phía trước tàu. Điều đáng ngạc nhiên là cả hai tàu trên đều có thiết bị phát hiện tàu ngầm (sonar) để định vị tàu ngầm bằng sóng âm. Vậy thì tại sao hai tàu vẫn cứ đâm nhau?

Đụng nhau trong yên lặng

"Thiết bị phát hiện tàu ngầm có hai chế độ. Chế độ tĩnh và chế độ động. Những tàu ngầm hạt nhân thường ẩn mình trong gần như suốt thời gian hoạt động. Chúng dùng chế độ tĩnh để gây tiếng động càng ít càng tốt", Foxnews.com dẫn lời Giám đốc Globalsecurity.org John Pike cho biết.

Globalsecurity.org là website chuyên cung cấp thông tin đáng tin cậy về các lĩnh vực như quốc phòng, vũ trụ, tình báo, vũ khí hủy diệt hàng loạt... Theo ông Pike, chế độ tĩnh thường tỏ ra rất hữu ích trong các trường hợp đi do thám. Thế nhưng, điều gì xảy ra khi hai tàu ngầm hạt nhân cùng ẩn và không hề tạo ra bất cứ tiếng động nào khi đang ở gần nhau? "Độ chính xác của thiết bị sonar ở chế độ tĩnh trở nên mơ hồ hơn trong phạm vi gần", ông Pike cho biết.

Cả hải quân Pháp lẫn Anh cũng khẳng định sự cố hai tàu đụng nhau là không thể tránh khỏi do các con tàu đều chạy hết sức nhẹ nhàng để tránh bị thiết bị sonar của đối phương phát hiện ra, theo  Foxnews.com.

Còn theo điều tra của hãng BBC, các tàu ngầm hiện đại không dùng chế độ động, vốn liên quan đến việc gửi tín hiệu mà chỉ dùng chế độ tĩnh để có thể lắng nghe được các tín hiệu. Nguyên nhân của vụ đụng tàu có thể là do các thiết bị chống phát hiện tàu ngầm đã hoạt động quá hiệu quả, BBC nhận định. BBC còn dẫn lời chuẩn đô đốc về hưu Stephen Saunders cho biết nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ các vấn đề thuộc về thủ tục hơn là kỹ thuật.

Theo ông Saunders, thông thường giữa các quốc gia đồng minh có một sự phối hợp mà theo đó, tàu ngầm từ các quốc gia đó được phân bổ "địa phận" để cho tàu mình lặn. "Các tàu ngầm này không nên ở cùng một địa điểm trong cùng một thời điểm", ông Saunders nói thêm.

"Việc hai tàu ở cùng một địa điểm trong cùng một thời gian chỉ xảy ra với xác suất một phần triệu. Chưa có tiền lệ về một sự cố như vậy. Vụ việc vừa qua là một sự cố kỳ lạ", Lee Willett, người đứng đầu chương trình nghiên cứu hàng hải tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh nhận định.

Ông Saunders nói thêm: "Tai nạn kiểu này gần như không thể xảy ra được. Đó là một sự cố rất nghiêm trọng và tôi thấy nó hơi lạ thường".

Nguy cơ hạt nhân

Vụ va chạm trên đã làm nhiều người lo ngại về việc có thể đã xảy ra sự cố hạt nhân. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố không hề có bất cứ sự cố hạt nhân nào. "Chúng tôi có thể xác nhận rằng năng lực của hải quân Anh chưa bao giờ bị ảnh hưởng và không có sự cố hạt nhân nào", phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh nói. Phía Pháp cũng đưa ra tuyên bố tương tự, theo BBC.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu ngầm của Anh đang chở 135 người. Con tàu Vanguard là một trong bốn chiếc tàu ngầm V-class của Anh. Nó có trang bị 16 tên lửa hạt nhân Trident, một thành tố trong hệ thống phòng thủ hạt nhân của xứ sở sương mù. Sau khi gặp nạn, tàu Vanguard đã được kéo về căn cứ Faslane ở Scotland. Còn tàu Le Triomphant của Pháp cũng được cho là đang mang theo một lượng tên lửa tương tự và cũng chở khoảng 130 thủy thủ, theo báo The Times. Tàu này là một trong bốn tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân thuộc hạm đội tàu ngầm Pháp.

"Đây là một sự cố liên quan tới tàu ngầm hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ khi vụ chìm tàu Kursk (của Nga) vào năm 2000 và là vụ đụng nhau giữa hai tàu ngầm hạt nhân đầu tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh", Kate Hudson - người đứng đầu Chiến dịch giải trừ hạt nhân của Anh - khẳng định.

Tàu Vanguard

- Hạ thủy năm 1992 và một năm sau được đưa vào phục vụ.
- Một trong 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh mang tên lửa hạt nhân Trident.
- Nặng 16.000 tấn và dài 150m.
- Có thể mang tối đa 16 tên lửa với tối đa 48 đầu đạn hạt nhân.

Tàu Le Triomphant

- Hạ thủy năm 1994 và đưa vào phục vụ ba năm sau đó.
- Một trong 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp có mang tên lửa đạn đạo.
- Nặng 14.000 tấn, dài 138m.
- Có thể mang 16 tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân.

(Theo BBC)

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.