Ban đầu đơn giản chỉ là do thích một chỗ ngồi, rồi kế đến là bầu không khí yên tĩnh cùng với cách thức bày biện giản dị và thanh lịch của quán. Quả vậy, ở Frans, ngồi bên ngoài hiên, trong một cái góc khuất quen thuộc, tầm mắt không bị che chắn bởi dòng người và xe cộ ngược xuôi như mắc cửi vẫn thường thấy nơi những quán cà phê khác, bạn có thể nhìn suốt sang phía bên kia đường, nơi có một cửa hàng bán thực phẩm Hàn Quốc. Tôi có thể thấy rõ đằng sau lớp kính của cửa hàng là những dãy tủ kệ màu xanh lá cây chạy dọc theo tường chất đầy hàng hóa; mấy con búp bê nhỏ như quả thông khô đung đưa lắc lư bên trên cửa sổ và một tấm bảng nhỏ với dòng chữ Fechado.
Hẵng còn quá sớm, chưa đến giờ bán hàng nên bạn không thể nghe được tiếng chuông kính coong mỗi khi cánh cửa được mở ra. Chưa một lần đặt chân vào bên trong nhưng không biết sao bạn lại có cảm tưởng dường như mọi thứ ở đó đều rất đỗi quen thuộc. Ở bên ngoài, một người đàn ông dắt chó đi dạo sớm. Gió thổi thốc trên vỉa hè làm cho cái nắp thùng rác đậy không kín kêu lạch cạch không ngớt. Thỉnh thoảng con vật đứng lại đánh hơi, tìm kiếm gì đó trên mặt đường và ông ta phải chờ đợi nó với một vẻ không hề nóng vội. Sau khi người đàn ông với con chó vừa đi khuất khỏi tầm mắt, một cô gái chạy bộ liền xuất hiện. Mái tóc buộc đuôi ngựa phía sau lưng cô nhảy tung tăng theo từng sải chân. Chiếc áo phông màu đen ướt đẫm dán vào người. Bất ngờ cô ngồi thụp xuống thắt lại dây giày. Chiếc quần lót ren đỏ lòi ra một khúc. Lúc ấy có cảm giác trái tim của bạn đột ngột thắt lại như sắp nhảy tung ra khỏi lồng ngực.
Về sau, tôi có thêm một lý do nữa để ngồi ở chỗ này khi phát hiện ra mình có cảm tình với cô bán quán. Tôi không chắc chắn lắm, nhưng hình như là vậy.
Cô gái với sắc đẹp bình thường và cũng không thật gợi tình. Cô thường bận rộn phía sau quầy để pha chế hay ghi ghi chép chép gì đó, nét mặt chăm chú, mái tóc bới cao để lộ chiếc cổ trắng ngần thanh tú. Dưới quầng sáng nhờ nhờ của cái bóng đèn chụp trên đầu, cô toát ra một vẻ huyền hoặc như trong một âm bản. Mọi người gọi cô là Ezir, cái tên có âm hưởng một nguồn gốc Ý.
Tôi tìm cách hỏi chuyện. Đúng là mẹ cô sinh đẻ ở Napoli. Cô là sinh viên khoa Luật, năm thứ hai, cô đi làm kiếm thêm tiền như hầu hết các sinh viên khác. Nhà cô thuê nằm ở phía nam thành phố, gần ga trung tâm tàu điện. Tôi nhớ đã đi qua nơi đó một, hai lần. Trong ký ức của tôi bây giờ còn đọng lại hình ảnh những con phố rất dốc, những bậc thang dẫn lên nhà thờ cổ và những căn nhà với những chậu hoa phong lữ thảo đỏ treo ngoài ban công.
Quan hệ của tôi với cô gái cho đến lúc đó chỉ mới dừng lại ở những nụ cười, ánh mắt và những trao đổi thông thường. Trớ trêu là đúng vào lúc tôi chớm có ý định tìm cơ hội để mời cô cùng đi ăn tối thì bất thình lình cô nghỉ việc. Nghe nói cô chuyển đến một bang ở phía nam gần biên giới, nơi có một cộng đồng người gốc Ý sinh sống đông nhất so với cả nước. Tôi đã để vuột mất một cơ hội.
Sự cố về cô gái như là khởi đầu cho việc sau đó bỗng dưng có nhiều giấc chiêm bao lạ đến với tôi. Những giấc chiêm bao đến rồi đi như những cơn gió quét ngang mặt đất, hầu như không lưu lại gì trong tâm trí để có thể hồi tưởng và xâu chuỗi lại khi thức dậy; thảng hoặc chỉ là những vệt màu, những cái bóng hay những mảnh rời đứt đoạn, không đầu không đuôi. Tuy vậy, có một giấc chiêm bao duy nhất cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian làm tôi thực sự lo lắng; trong đó tôi thấy một con cá vàng bơi trong một đại dương đang cạn kiệt dần dần, rồi đột nhiên biển biến mất, không để lại dấu vết, như một giọt sữa bị một con mèo nào đó thè lưỡi ra liếm sạch. Và lần nào cũng vậy, cứ đúng ngay vào lúc ấy là tôi bừng tỉnh dậy. Tôi nghi ngờ, không biết có phải đây là một điềm báo gì chăng.
Tôi gửi thắc mắc đến chương trình sức khỏe cộng đồng phát sóng trên đài phát thanh vào mỗi sáng chủ nhật. Trả lời tôi, một nhà tâm lý học nói chỉ với ngần ấy dữ kiện, ông không thể đưa ra một giải thích cụ thể nào, ông cần gặp trực tiếp để hỏi chuyện thêm. Tuy nhiên, theo ông, trên phương diện phân tâm học, giấc mơ thường là một chỉ dấu đáng tin cậy. Với tất cả sự dè dặt, ông nghĩ rằng nó có thể là một giả thiết về việc tôi đang có những ám ảnh về nguồn gốc của mình. Trong khi đó, cũng trong chương trình, một nhà dinh dưỡng học lại cho rằng giấc mơ đó có thể là dấu hiệu báo động tôi đang có một vài vấn đề về sức khỏe. Ông ta khuyên tôi nên ăn thật nhẹ và ít vào buổi tối thì có thể cải thiện được tình trạng. Tôi cần uống nhiều nước và ăn những thứ thức ăn có nguồn gốc thảo mộc.
Ngay sau hôm đó và những ngày kế tiếp, không hiểu sao, tôi không còn gặp lại giấc chiêm bao ấy lần nào nữa. Tôi thấy không còn cần thiết phải đi gặp nhà tâm lý, cũng như phải áp dụng chế độ ăn kiêng theo lời khuyên của nhà dinh dưỡng học nọ. Tôi có lý do để nghĩ tất cả những dự đoán cũng chỉ là dự đoán, có thể đúng và cũng có thể sai, như chính lời họ nói.
Tuy vậy, nếu tin vào lời của nhà phân tâm học, rằng giấc mơ là một chỉ dấu của đời sống, thì nó thực sự không bao giờ biến mất hẳn. Giấc mơ vẫn ẩn mình sâu dưới bề mặt của tâm thức và khi hội đủ những điều kiện, nó sẽ lại xuất hiện. Như một cái công tắc điện, chỉ cần bật lên, ánh sáng sẽ ùa ra cả gian phòng.
Cái công tắc ấy chính là Marcos.
***
Tôi hẹn Marcos ở Bier Fass. Marcos là một tay mua bán xe ô tô cũ, vừa trở về từ một chuyến đi nghỉ mát. Nó gọi điện thoại cho tôi nói có mang về một ít quà kỷ niệm.
Hôm ấy tôi có một chút bất ngờ khi thấy Marcos gọi Diet Coke mà không phải là bia hay rượu như thường lệ. Một thằng bợm rượu quanh năm suốt tháng mà hôm nay bỗng dưng uống nước ngọt? Từ ngày quen nó đến nay, đây là lần đầu tiên tôi mới thấy, nhưng OK, chúng tôi vẫn tôn trọng sở thích của nhau.
Bàn bên cạnh chúng tôi, một người đàn ông già, râu quai nón bạc phơ như Hemingway, ngồi một mình với chai rượu Johnny Walker đỏ trước mặt đã vơi một phần ba.
Thoạt đầu, nó kể về chuyến đi nghỉ mát một tuần lễ cùng với Lola, cô bạn gái người Colombia của nó. Họ đến một nơi có tên gọi là Thiên Đường Trên Trần Thế, một khu nghỉ mát tọa lạc ở một vùng đồi núi hoang vắng rộng hơn 1.800 héc-ta. Thế nhưng, ở đó, ngoài một cái khách sạn hai mặt nhìn ra không gian bao la núi rừng xanh mượt trải dài đến ngút tầm mắt với hơn 100 phòng theo một lối kiến trúc đơn điệu, không trang bị máy điều hòa không khí, không truyền hình cáp và mini bar; một nhà ăn đơn sơ, một cái hội trường và vài ngôi nhà lẻ loi nằm rải rác trên các triền đồi; tuyệt nhiên không có một công trình xây dựng hiện đại đáng kể nào. Trong một không gian hoàn toàn u tịch đó, với những tiện nghi vật chất hết sức khiêm tốn, mọi người cùng nhau thực tập xả bỏ những lo âu và áp lực của xã hội hiện đại để hướng đến lối sống giản dị, quân bình và hòa nhập với thiên nhiên. Một quy định chặt chẽ ở Thiên Đường Trên Trần Thế mà ai ai cũng tự nguyện thực hiện: không thuốc lá, không bia rượu, không ăn thịt.
Ngoài những lúc dạo chơi trong rừng hay cùng nhau tắm dưới chân thác, hằng ngày họ tập yoga, thiền định, hát múa tập thể và cầu nguyện. Họ xếp thành một vòng tròn, đứng tại chỗ nắm lấy tay nhau hay đi vòng quanh, như một nghi thức cầu nguyện.
Tôi liếc sang cái ly nước ngọt của Marcos đã cạn, cảm giác như hiểu ra một phần của vấn đề.
Người đàn ông bên cạnh vẫn ngồi bất động với chai rượu bây giờ đã vơi quá nửa, gương mặt đỏ sạm như một bức tượng bằng đồng. Có cảm tưởng như ông ta hoàn toàn không để ý đến những chuyển động ồn ào quanh mình.
“Họ cầu nguyện gì?”, tôi hỏi Marcos.
Như thể chỉ chờ đợi có vậy, nó nói liền một hơi, “Cho hòa bình, cho sự cảm thông, tình huynh đệ, sự thông tuệ và ánh sáng…”.
Không tin vào lỗ tai mình, tôi cắt ngang: “Cái gì? Ánh sáng?”.
“Đúng vậy. Ánh sáng của Thượng đế!”.
Trời đất ơi! Tôi đang ở đâu đây? Không thể tin người vừa thốt ra những lời nói đó trước mặt tôi lại chính là
Marcos, một tay chuyên móc nối áp-phe, một thằng bịp bợm, một con sâu rượu và thay đổi bạn tình như thay áo. Chỉ mới đây thôi, Marcos với tôi, không ai đồng ý với ai chung quanh vụ dẫn độ Roman Polanski về Mỹ để thụ án. Nó đứng về phe ủng hộ Roman Polanski, bênh vực cho hành vi quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên của ông này, “Mày nhớ nghe, trong chuyện này cả hai đều cùng có lợi”. Nó còn chế giễu triết lý thằng nào dám chơi thì dám chịu và vẻ nghiêm trọng của tôi khi đề cập đến chuyện công lý. “Cứt! Công lý hả? Ê, tỉnh lại đi. Mày bệnh nặng quá! Công lý ở chỗ này nè!”. Nó vừa nói vừa xỉa ngón giữa của bàn tay phải lên trước mặt.
Phép mầu nào đã thay đổi hoàn toàn con người của nó nhanh chóng đến vậy?
Marcos lấy gói giấy để trước mặt từ nãy đưa cho tôi: “Quà cho mày đây”.
Tôi mở lớp giấy kính màu bọc bên ngoài. Đó là một bức tranh bằng vải màu vàng nâu và đỏ bầm, nhỉnh hơn khổ giấy A4 một chút, thêu một vật có hình dáng như những cánh hoa cách điệu. Bức tranh thêu khá đẹp.
“Cái này là cái gì?”, tôi hỏi.
“Đó là cây mạn đà la, biểu tượng của Thiên Đường Trên Trần Thế”.
Tôi chưa từng nghe nói đến thứ cây này. Tên gọi của nó sao mang máng giống với một thứ bùa chú gì đó của Tây Tạng huyền bí. Rõ ràng đây là một giáo phái bí mật rồi. Tôi bỗng liên tưởng đến giáo phái Aum, giáo phái Đền Mặt Trời rao giảng về ngày tận thế của nhân loại, diễn ra như kịch bản phim 2012 của Roland Emmerich, để cổ vũ cho hành động tự sát tập thể. Phần lớn tín đồ của các giáo phái đều là những người có học thức và giàu có. Tôi không hiểu nổi tại sao họ lại có thể dễ dàng từ bỏ sự sung túc vật chất và tự do cá nhân của mình, tự nguyện khép vào một thứ kỷ luật tập thể để cùng nhau theo đuổi một mục đích rất viển vông, mơ hồ nào đó. Sai lầm của tôi là đã thổ lộ ý nghĩ đó với Marcos, nhưng nghiêm trọng hơn là đã ba hoa về giấc mơ của mình.
Nghe xong, nó nói chắc nịch: “Tao không phải là thầy thuốc nhưng tao biết tại sao”.
Nó hỏi lại tôi:
“Mày có hay đi tiểu đêm không?”.
“Có. Thì sao?”.
“Mày tự nhiên trở nên vụng về, đi đến đâu là làm đổ vỡ đến đó, có không?”.
“Ừm… ừm…”.
“Mày có bao giờ có cảm tưởng như đang bị rơi vào trong một cái ống thật dài và đen ngòm không?”.
“Thường xuyên. Đôi khi tao còn thấy như đang nghe có nhiều người cùng nói một lúc trong đầu tao nữa. Phải, đôi khi như vậy”.
“Mày có bao giờ thấy mình đang bị phản bội không?”.
“Thỉnh thoảng”.
“Mày không thể quan hệ tình dục với đàn bà mặc dù mày vẫn rất thèm muốn?”.
“Tao không biết”.
“Vậy thì… Hỏi thật nhé, mày có biết là mày đang có vấn đề về sức khỏe không?”.
“Sức khỏe?! Vừa phải thôi cha! Mà sao cha hỏi con nhiều quá vậy, cha có phải là Larry King đâu!”.
Marcos đang định nói tiếp gì đó, bàn tay trái của nó đang huơ huơ bỗng dừng phắt ngay lại như một nhánh cây bị bẻ gãy gập, vẻ mặt chưng hửng, cụt hứng.
Tôi biết mình đang nói to tiếng. Nhưng đúng vào lúc đó, trong quán bỗng nhiên trở nên nhốn nháo một cách khác thường. Nhiều người ngồi trước mặt tôi đứng hẳn dậy. Một người phục vụ từ trong nhà hớt hải chạy ra. Theo ánh mắt của mọi người, tôi liếc sang bên cạnh. Người đàn ông đang nằm gục mặt xuống mặt bàn, một dòng máu chảy ra từ khóe miệng. Chai rượu đổ nghiêng. Một cánh tay trên mặt bàn hờ hững chặn ngang dòng rượu đang chảy, cánh tay còn lại buông thõng xuống dưới. Trông người đàn ông lúc ấy giống như một con rối bị cắt đứt dây.
Không ai bảo ai, Marcos với tôi cùng đứng phắt lên. Trong đám đông có một người hét to: “Gọi xe cấp cứu đi”. Rồi tôi nghe một giọng phụ nữ hốt hoảng: “Trời ơi! Sao ai cũng đứng yên như trời trồng vậy? Làm một cái gì đi chứ!”. Thêm hai người phục vụ nữa chạy đến bên người đàn ông, một vài người cũng chạy hùa theo nhưng không ai dám đỡ nạn nhân ngồi thẳng dậy. Họ cứ đứng xớ rớ ra đó, lúng túng không biết phải làm thế nào với người đàn ông già. Tôi nghĩ có lẽ ông ta đã chết. Bắt đầu có tiếng khóc sụt sịt.
Có lẽ chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục chống chọi với cảm giác bất lực này nữa nếu lúc ấy không có người kêu to lên: “Có rồi! Có rồi! Xe cấp cứu đang đến!”. Mọi người như được cất đi một gánh nặng vô hình. Tôi ngó về phía tiếng kêu, từ một góc bên trong quầy tính tiền. Đó là một người đàn ông trung niên mặc áo thun ba lỗ, hình chạm trổ đầy trên hai cánh tay và ngực.
Trong phút chốc xe cứu thương xuất hiện trước bậc thềm. Hai người mặc blouse trắng nhanh nhẹn nhảy xuống từ sau xe cùng với chiếc cáng cứu thương. Họ yêu cầu đám đông đứng lui ra. Một người xáp đến vạch mắt người đàn ông ra xem, sau đó lấy ống nghe đặt lên lưng và ngực, trong lúc người kia đo huyết áp. Cả hai hành động nhanh và gọn gàng như thể đang thao tác trong một bài tập quen thuộc. Sau đó một người quay sang hỏi người phục vụ và ghi chép vào một cuốn sổ tay.
Lúc chiếc băng ca đã đưa người đàn ông xấu số đi, nhiều người hiếu kỳ chạy theo bám lấy cửa xe thò đầu vào bên trong ngó nghiêng. Người mặc áo blouse trắng lại nói: “Tránh ra! Làm ơn tránh ra đi! Có gì đâu mà coi!”. Trong đám đông đó, tôi nhìn thấy Marcos đứng ở đầu. Không biết nó lẻn đi lúc nào mà nhanh đến thế?
***
Bây giờ thì ngoài thời giờ dành cho chuyện kiếm tiền, Marcos còn làm thêm công việc truyền giáo nữa. Có ngày tôi bắt gặp nó đứng nơi một góc phố, dáng to lớn kềnh càng mặc chiếc áo thụng trắng không cổ dài đến tận gối nổi bật giữa đám đông, trên tay cầm một xấp giấy phân phát cho những người đi đường. Quan hệ giữa Marcos và tôi không có gì thay đổi lớn, chúng tôi vẫn gặp nhau tán dóc mặc dù không thường xuyên như lúc trước. Có lẽ đã có một sự lạc nhịp ở đâu đó rất khó xác định.
Mỗi lần gặp là mỗi lần tôi nhận ra sự lột xác toàn diện trong con người của Marcos. Ở nó không còn giọng hài hước quen thuộc cũng như không còn văng tục bạt mạng như trước nữa mà có vẻ nghiêm trang hơn, bí ẩn như một người ngoài trái đất.
Một lần đến nhà Marcos, thấy cái chòi ở góc vườn trước kia vẫn là chỗ chúng tôi thường tổ chức gặp gỡ ăn uống, nay đã được sửa sang lại và lắp thêm cửa để làm nơi cầu nguyện. Thấp thoáng ở đó một vài người lạ mặt râu tóc để dài, cầm chuỗi hạt. Marcos giới thiệu họ là những người bạn mới trở về từ một chuyến hành hương ở Ấn Độ. Hỏi thăm Lola,
Marcos nói cô đã dọn đến ở hẳn trong Thiên Đường Trên Trần Thế, rồi nó rút từ trong xấp giấy để trên bàn một tấm ảnh mới chụp ra khoe. Trong ảnh, Lola tay cầm vật gì có hình dáng giống như một cái khánh, đi vòng quanh một nhóm người ngồi xếp bằng tròn, mắt lim dim.
“Cô ả đang làm cái gì vậy mày”, tôi hỏi. “Đang thiền hành”, Marcos nói.
Thành thật mà nói, sự thay đổi quá nhanh của Marcos đã làm tôi bối rối trong một chừng mực nào đó. Giống như khi đi tàu lượn siêu tốc, thoạt đầu bạn được cho làm quen với trò chơi bằng một tốc độ chậm rãi, đều đều đến mức như được ru ngủ, để rồi đột nhiên, không một dấu hiệu báo trước, con tàu bất thình lình đổ dốc với một tốc độ kinh hoàng khiến bạn tưởng mình như đang lao thẳng xuống địa ngục.
***
Từ sau buổi gặp Marcos ở Bier Fass trở về, hình như một cái gì rất quý giá trong tôi đã bị tước đoạt. Không thể chỉ ra thực sự đó là cái gì, chỉ biết chắc chắn một điều là từ nay trở đi, tôi không thể sống yên ổn với chính tôi như trước đây nữa. Tôi cảm thấy mình đã bị lột trần trụi, trở nên trống rỗng và trong suốt. Bây giờ tôi không còn là một cái rễ cây trong bóng tối nữa, tôi đã bị đào lên và bị ném thẳng tay ra ngoài mặt đất.
Có phải chính Marcos đã làm nên tất cả những điều đó? Có phải chính nó chứ không phải ai khác? Chứng đi tiểu đêm ngày nào bây giờ bất ngờ tái phát cùng với giấc chiêm bao về con cá.
Đêm nay, lại thêm một đêm nữa, tôi không thể nào chợp mắt. Tôi vớ lấy cuốn sách trên đầu giường đọc cho mỏi mắt chờ giấc ngủ. Nhưng càng cố gắng tập trung vào những dòng chữ trên trang sách, tôi chỉ càng đọc thấy chính ý nghĩ của mình nhảy múa trước mặt. Tôi ngồi bật dậy, rót cho mình một ly rượu. Bên ngoài trời bỗng nhiên trở nên yên tĩnh một cách lạ thường. Một người bạn vốn là lính dày dạn kinh nghiệm ở chiến trường nói cho biết đây chính là khoảng giao thời giữa đêm với ngày.
Tôi đứng lên lấy thanh gươm Nhật Bản bày trong tủ kính rồi rút lưỡi gươm ra khỏi vỏ bao ngắm nghía. Dưới ánh đèn, lưỡi thép chợt lóe lên một thứ ánh sáng xanh lạnh lẽo ma quái. Hai tay nắm chặt lấy chuôi gươm, tôi rùn người xuống và đưa thanh gươm ra trước mặt trong tư thế của một kiếm sĩ Nhật Bản đang lâm trận. Tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết khi trong tay mình là một thứ vũ khí sắc bén. Và lạ lùng thay, vào lúc đó, dường như có một sức mạnh vô hình đang lan tỏa theo dòng máu nóng đến từng lỗ chân lông trong cơ thể. Tôi không còn biết sợ hãi nữa. Tôi tin rằng nếu có bất cứ kẻ địch nào trước mặt, tôi có thể tiêu diệt ngay lập tức.
Bất thình lình, như một con rô-bốt đã được lên dây cót, tôi siết chặt chuôi gươm, di chuyển lên phía trước và liên tiếp chém nhiều đường gươm vào khoảng không trước mặt. Càng chém tôi càng phấn khích, càng thấy mình mạnh mẽ dần lên, tất cả bầu máu nóng sục sôi như dồn hết lên đôi cánh tay.
Ngạc nhiên thích thú trước sức mạnh tiềm ẩn trong con người mình, tôi hăng máu tung ra vô vàn những nhát chém điên cuồng như thể đang trút xuống một đối thủ vô hình tất cả nỗi căm thù dồn nén bấy lâu.
Cho đến khi thực sự mệt nhoài, mồ hôi đổ ra ướt hết sống lưng, tôi mới dừng tay. Một cảm giác bình yên, nhẹ nhõm tràn ngập trong lòng. Tôi tra lưỡi gươm vào bao và mang đến ghế ngồi, đặt lên đùi, thở dốc.
***
Khi cơn kích động đã nguôi ngoai, tôi vẫn ngồi như thế, với thanh gươm Nhật Bản trên đùi, dưới ánh sáng ấm áp che chở của ngọn đèn áp tường…
Cho đến sáng.
Truyện ngắn của Vũ Thành Sơn
Bình luận (0)